Fed sắp giảm lãi suất, bao giờ nền kinh tế Mỹ mới có sự thay đổi?
Sau khi duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ suốt hơn một năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ ra cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9. Chủ tịch Jerome Powell nhiều khả năng sẽ phát tín hiệu rằng Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ tại những cuộc họp tiếp theo.
Viễn cảnh này chính là điều mà mọi nhà đầu tư ước ao kể từ khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022 để khống chế lạm phát. Tâm trạng vui mừng của các nhà đầu tư có thể sẽ kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, theo tờ CNN, hầu hết người Mỹ sẽ không cảm nhận được tác động từ một hay nhiều đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong ít nhất một năm tới.
Các đợt cắt giảm lãi suất hoạt động như thế nào?
Ngân hàng trung ương giảm lãi suất chủ yếu vì một trong hai lý do sau: thứ nhất, giới chức Fed dự đoán các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt một cách nghiêm trọng hoặc thứ hai, lạm phát đã hạ nhiệt đến mức việc duy trì lãi suất cao sẽ khiến nền kinh tế bị kìm hãm một cách không cần thiết.
Lần này, hầu hết các nhà kinh tế tin tưởng Fed sẽ hành động vì lý do thứ hai.
Khi Fed muốn giảm bớt áp lực lên nền kinh tế, các quan chức sẽ hạ lãi suất quỹ liên bang mục tiêu - tức là lãi suất các ngân hàng thương mại đi vay và cho nhau vay để đảm bảo họ đáp ứng được số tiền dự trữ cần thiết theo quy định.
Fed hạ lãi suất mục tiêu bằng cách mua thêm tín phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Về cơ bản, các ngân hàng sẽ nhận được một phần tiền mặt mà Fed sử dụng để mua chứng khoán nợ, điều này giúp họ có nhiều tiền hơn để cho khách hàng vay. Do đó, các ngân hàng không cần phải tính lãi suất cao như trước đối với những khoản vay mà họ cấp cho khách hàng.
Đây là loại tác động mà công chúng Mỹ có thể nhận thấy ngay sau khi Fed giảm lãi suất. Tuy nhiên, phần lớn các tác động khác từ động thái của Fed sẽ xuất hiện khá lâu sau đó.
Tác động đến nền kinh tế
Lãi suất ảnh hưởng đến rất nhiều quyết định mà các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ đưa ra.
Nói một cách đơn giản, khi lãi suất thấp thì việc đi vay rẻ hơn nhiều so với khi lãi suất cao. Trong trường hợp Fed giảm lãi suất vào ngày 18/9, các doanh nghiệp Mỹ có thể nhận định giờ là lúc nên đầu tư vào các dự án mới hoặc thuê thêm lao động bởi họ không cần dùng nhiều tiền để trả nợ vay như trước.
Tương tự, việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy người tiêu dùng đem tiền đi tiêu thay vì gửi tiết kiệm, bởi lãi họ nhận được từ tiền để dành trong tài khoản ngân hàng bị giảm xuống.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp có thể phản ứng với sự gia tăng của nhu cầu bằng cách nâng giá sản phẩm và dịch vụ, điều đó sẽ không xảy ra ngay sau khi Fed hạ lãi suất.
Ông Thomas Drechsel, Giáo sư kinh tế của Đại học Maryland, lý giải: “Chúng ta hãy lấy ví dụ về gói tài khoản Netflix của bạn. Chắc chắn mức giá của chúng sẽ không thay đổi hàng tuần hoặc hàng tháng”.
Giả dụ Neflix chứng kiến số lượng người đăng ký nhảy vọt sau khi Fed hạ lãi suất thì nhiều khả năng công ty này cũng không thể phản ứng với đà tăng của nhu cầu bằng cách nâng giá dịch vụ. Bởi trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp bị ràng buộc bởi các hợp đồng với khách hàng khiến họ không thể thay đổi giá ngay lập tức.
Khi Fed tăng hoặc giảm lãi suất thì phải sau một khoảng thời gian toàn bộ nền kinh tế mới cảm nhận được toàn bộ tác động của động thái đó. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Milton Friedman gọi những khoảng thời gian này là “độ trễ dài và có thể thay đổi”.
Giáo sư Drechsel nói tiếp: “Chúng ta có thể ví rằng Fed đang lái một con tàu lớn. Dù cho họ đang quay bánh lái thì cũng phải mất một khoảng thời gian con tàu mới thực hiện chuyển động đó”.
Các chuyên gia chưa thống nhất với nhau về độ trễ chính xác của chính sách tiện tệ trong bối cảnh hiện nay. Một số nhà kinh tế đưa ra con số ước tính là khoảng một năm - khoảng thời gian này sẽ giúp giải thích vì sao lạm phát bắt đầu hạ nhiệt đáng kể vào năm 2023, một năm sau khi Fed khởi động chu kỳ tăng lãi suất.
Nhưng theo nghiên cứu của ông Drechsel thì có thể chính sách tiền tệ “phải mất nhiều năm” để hoàn toàn lan tỏa và tác động của nó được phản ánh đầy đủ vào dữ liệu kinh tế. Thậm chí điều đó cũng có thể có nghĩa là một số đợt tăng lãi suất trước đây của Fed vẫn đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.