|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chỉ báo suy thoái hàng đầu Phố Wall không còn đúng?

16:30 | 30/05/2024
Chia sẻ
Một trong những chỉ báo suy thoái ưa thích của Phố Wall có vẻ đã bị hỏng.

Đường cong lợi suất đảo ngược là một hiện tượng bất thường, trong đó lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn sẽ vượt quá lợi suất trái phiếu dài hạn.

Hiện tượng này từ lâu đã được coi là một tín hiệu gần như chắc chắn rằng suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện. Trong 8 đợt suy thoái trước đây tại Mỹ, đường cong lợi suất đều đảo ngược trước khi nền kinh tế ngã quỵ.

Tuy nhiên, giờ đây chuỗi thành tích đó đang bị đe doạ. Đường cong lợi suất đã đảo ngược trong khoảng thời gian kỷ lục - trên 400 phiên giao dịch - mà không có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế sắp sụp đổ.

Các doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng tổng cộng 175.000 nhân viên mới trong tháng 4 và tăng trưởng kinh tế trong quý hiện tại dự kiến sẽ tốt hơn so với ba tháng đầu năm.

Nếu suy thoái không sớm thành hiện thực, vai trò dự báo của đường cong lợi suất đảo ngược sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, Wall Street Journal nhấn mạnh.

Việc này có thể trở thành một trong những ví dụ hàng đầu cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược những giả định lâu đời ở Phố Wall về cách vận hành của thị trường và nền kinh tế.

Ngay cả khi những gì diễn ra trong vài năm vừa qua chỉ là cá biệt và khó lặp lại, các nhà đầu tư có thể sẽ không còn lo lắng khi đường cong lợi suất đảo chiều lần nữa trong tương lai.

Ông Ed Hyman, Chủ tịch của ngân hàng đầu tư Evercore ISI, cho rằng cuộc suy thoái lần này có thể đến muộn một chút. Tuy nhiên, ông nói: “Đường cong lợi suất đảo ngược không dự báo chính xác. Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định”.

 

Lý do đường cong lợi suất đảo ngược giúp báo hiệu suy thoái

Theo các nhà kinh tế, có lý do khiến đường cong lợi suất đảo ngược trước khi suy thoái xuất hiện.

Lợi suất trái phiếu kho bạc chủ yếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về mức lãi suất ngắn hạn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ấn định sẽ đạt trung bình bao nhiêu trong vòng đời (kỳ hạn) của trái phiếu.

Khi lợi suất trái phiếu dài hạn tụt xuống dưới lợi suất trái phiếu ngắn hạn, đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất - động thái mà ngân hàng trung ương này thường làm để kích thích nền kinh tế đang suy thoái.

Nhìn vào biểu đồ bên dưới, đường cong lợi suất cho thấy lợi suất mà nhà đầu tư có thể nhận được từ tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng so với trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Ba năm trước, đường cong dốc lên bình thường, phản ánh lãi suất gần bằng 0 nhưng có nguy cơ tăng lên.

Đến tháng 7 năm ngoái, chênh lệch lợi suất tăng cao hơn và đường cong đã đảo ngược. Fed khiến thị trường ngạc nhiên khi kéo lãi suất lên trên mức 5% nhưng các nhà đầu tư hy vọng Fed cuối cùng sẽ chuyển sang hạ lãi suất.

Hiện tại, đường cong lợi suất vẫn bị đảo ngược nhưng ít dốc hơn.

 

Các nhà kinh tế phải mất một thời gian dài để liên kết đường cong lợi suất đảo ngược với suy thoái. Một trong những người đầu tiên chú ý đến mối liên hệ đó là ông Campbell Harvey, hiện là giáo sư tài chính tại Đại học Duke, người đã viết một luận án về đề tài này vào năm 1986.

Ông Harvey cho biết Phố Wall và Fed từng thảo luận về đường cong lợi suất đảo ngược vào những năm 1990 nhưng đây vẫn là một chủ đề tương đối nhỏ cho đến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau đó, mọi người mới bắt đầu xem xét lại các dấu hiệu cảnh báo mà ban đầu họ bỏ qua.

Dữ liệu từ nền tảng Factiva ủng hộ lời kể của ông Harvey. Dữ liệu cho thấy số lượng bài báo đề cập đến đường cong lợi suất khi nó đảo ngược vào năm 2019 đã tăng mạnh so với những lần đảo ngược trước đó.

 

Tại sao đường cong lợi suất đảo ngược bị nghi ngờ?

Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác cho rằng trong vai trò một công cụ dự báo, đường cong lợi suất đảo ngược luôn có những hạn chế.

Đường cong lợi suất đảo ngược cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng không giải thích được lý do tại sao họ lại đặt cược như vậy.

Có thể các nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế sẽ suy thoái, nhưng hành động của họ cũng có thể phản ánh khả năng xảy ra một kịch bản “lành tính” hơn. Trong trường hợp thứ hai, Fed có thể sẽ hạ lãi suất như một biện pháp phòng ngừa dù tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định.

Trong những năm qua, tình trạng đảo ngược của đường cong lợi suất chỉ ra những tình huống rất khác nhau. Hồi đầu những năm 1980, Fed không hề cố gắng tránh né suy thoái khi họ tăng lãi suất lên gần 20% để khống chế lạm phát.

Trong tình huống khác, một số nhà kinh tế tin rằng suy thoái có thể không xảy ra nếu không xuất hiện những cú sốc từ bên ngoài, chẳng hạn như khi giá dầu tăng vọt sau khi Iraq tấn công Kuwait vào năm 1990.

Trong tình huống hiện tại, đã đôi lần nền kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro suy thoái. Cảnh báo suy thoái gia tăng vào năm 2022 khi lạm phát leo thang và Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất.

 

Song, một số chuyên gia tin tưởng Mỹ có thể tránh được suy thoái. Họ lập luận rằng lạm phát có thể đã giảm về gần mức mục tiêu 2% của Fed khi doanh nghiệp phục hồi và nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chiến dịch thắt chặt tiền tệ vẫn cần thiết nhưng Fed có thể sớm đảo chiều chính sách trước khi nền kinh tế chững lại quá mức.

Sau đó, lạm phát tiếp tục giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ cần tăng nhẹ. Triển vọng Fed hạ lãi suất mà không gây ra suy thoái đã khiến các nhà đầu tư phấn chấn, giúp S&P 500 đi lên 24% vào năm ngoái và thêm 11% trong năm nay.

Lần này, ông Harvey nhận định nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái. Vị chuyên gia nói: “Thật ngây thơ khi bạn cho rằng mình có thể dự báo nền kinh tế phức tạp chỉ bằng một thước đo duy nhất từ thị trường trái phiếu”.

Một vài “yếu tố X” chưa xác định

Hiện tại không có một định nghĩa cụ thể nào về đường cong lợi suất đảo ngược.

Các nhà đầu tư trên Phố Wall thường tập trung vào lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 và 10 năm vì những trái phiếu này được giao dịch thường xuyên. Một số nhà kinh tế lại thích đo lường lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm so với 3 tháng hoặc 1 năm.

Ngoài ra, nhiều người cũng đặt câu hỏi về thời điểm bắt đầu theo dõi suy thoái kinh tế. Các nhà đầu tư nên chú ý khi một phần của đường cong lợi suất đảo ngược trong một ngày hay trong bao lâu?

Thời điểm suy thoái xảy ra sau khi đường cong lợi suất đảo ngược ngày càng bị đẩy xa. Kể từ năm 1968, nền kinh tế Mỹ suy thoái sau 9 đến 24 tháng kể từ thời điểm đường cong lợi suất 10 năm và 1 năm đảo ngược trong ít nhất một tháng.

Theo định nghĩa phía trên, đợt đảo ngược lần này sắp kết thúc tháng thứ 23. Tuy nhiên, kể từ khi đường cong lợi suất bắt đầu đảo ngược cho đến tháng 4 vừa qua, nền kinh tế Mỹ lại đang tạo ra nhiều việc làm hơn bất kỳ giai đoạn nào trong quá khứ (sau khi đường cong đảo ngược).

Yên Khê