Ít nhất 9 chỉ báo suy thoái tại Mỹ đã được kích hoạt
Xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang tăng lên sau khi một loạt tín hiệu cảnh báo loé sáng trong những tháng gần đây.
Đó là nhận định của ông David Rosenberg, nhà kinh tế thuộc Rosenberg Research. Theo Business Insider, vị chuyên gia này đã tổng hợp một danh sách gồm khoảng 20 chỉ báo suy thoái.
“Đâu là chỉ báo suy thoái chính xác nhất? Câu hỏi này rất khó trả lời, vậy tại sao chúng ta không gạt nó qua một bên và xem xét tất cả các chỉ báo?”, ông Rosenberg nói.
Vào tuần trước, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ đã nâng tăng trưởng GDP quý II lên 3% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn ước tính ban đầu là 2,8%.
Dữ liệu chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định và người dân có thể sớm ăn mừng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, dự kiến là tại cuộc họp tháng này.
Tuy nhiên, theo ông Rosenberg thì trong quá khứ, một số tín hiệu đáng lo ngại chỉ loé lên khi nền kinh tế sắp suy thoái.
Trong số 20 chỉ báo mà nhà kinh tế này tổng hợp, 9 chỉ báo đã được kích hoạt, đơn cử như Quy tắc Sahm và đường cong lợi suất đảo ngược.
Những chỉ báo vẫn chưa phát tín hiệu xấu nằm trong các lĩnh vực sản xuất và vận tải. Cho đến nay, các ngành này vẫn hoạt động tương đối ổn định.
“Hiện tại, 45% các chỉ báo suy thoái mà chúng tôi theo dõi đã được kích hoạt. Kể từ năm 1999, điều đó chưa bao giờ xảy ra nếu nền kinh tế không suy thoái”, ông Rosenberg nhấn mạnh.
Danh sách các chỉ báo nhấp nháy ánh đỏ đã tăng dần kể từ năm 2022, khi chỉ 10% được kích hoạt. Con số đó tăng lên khoảng 25% vào năm 2023 và trong nửa đầu năm 2024.
Nhưng kể từ đó, các cảnh báo suy thoái đã xuất hiện nhiều hơn.
“Đôi khi càng nhiều càng đáng lo và đây là một ví dụ điển hình. Khi xem xét ngưỡng suy thoái trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, rõ ràng là có điều gì đó đã thay đổi kể từ giữa năm 2024 và cuộc suy thoái được dự đoán từ lâu cuối cùng cũng có thể xảy ra”, vị chuyên gia nói tiếp.
Để chuẩn bị cho khả năng suy thoái kinh tế, ông Rosenberg khuyến nghị khách hàng nên đa dạng hoá danh mục sang các tài sản “chống suy thoái” như trái phiếu kho bạc, vàng và các cổ phiếu phòng thủ như tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu.