|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư bình chân như vại dù Mỹ 'bốc hơi' hơn 800.000 việc làm hoá ra là có lý do

17:10 | 22/08/2024
Chia sẻ
Bộ Lao động Mỹ ước tính tổng số việc làm được tạo ra trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 đã giảm 818.000.

Thị trường việc làm Mỹ đã lộ thêm dấu hiệu suy yếu. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Một thị trường việc làm yếu hơn

Hoá ra trong thời gian qua, thị trường việc làm Mỹ không nóng bỏng như nhiều người lầm tưởng. Bằng chứng là báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 21/8.

So với dữ liệu ban đầu, tổng số việc làm mà nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra trong giai đoạn tháng 4/2023 - 3/2024 đã giảm 818.000. Nói cách khác, các doanh nghiệp chỉ tạo thêm trung bình 178.000 việc làm mỗi tháng, trái ngược với ước tính cũ là 246.000.

Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh dữ liệu để bao quát tình hình của các doanh nghiệp vừa mới thành lập hoặc vừa phá sản. Để đưa ra ước tính mới, các quan chức sẽ dựa vào dữ liệu cập nhật từ Khảo sát việc làm và tiền lương hàng quý (QCEW).

Lần điều chỉnh này có một thay đổi tương đối lớn so với các đợt điều chỉnh trước kia. Trung bình các đợt điều chỉnh trong một thập kỷ qua có sai số là +/-0,1%, còn lần này ghi nhận sai số đến -0,5%.

Các nhà kinh tế phán đoán có thể dữ liệu mới không bao gồm những người nhập cư trái phép, vì QCEW được thực hiện dựa trên các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp. Người nhập cư trái phép thường không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp.

Do đó, lần điều chỉnh này có thể không bao gồm 500.000 người nhập cư trái phép có thể đang làm việc tại Mỹ.

 

Bất luận như thế nào, động thái điều chỉnh giảm số liệu việc làm của Bộ Lao động Mỹ vẫn là bằng chứng khác cho thấy thị trường việc làm đang chững lại.

Mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong các quý gần nhất (thường vượt quá kỳ vọng của giới chuyên gia), tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã tăng lên mức 4,3% và kích hoạt chỉ báo suy thoái Quy tắc Sahm.

Chưa kể, tỷ lệ người lao động có việc làm và thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm mới đều tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào tháng 7 - ngay cả khi hoạt động tuyển dụng dần chậm lại.

Trong một email gửi đến CBS News sau báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ, ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, nhận xét: “Thị trường việc làm có vẻ yếu hơn so với các dữ liệu ban đầu”.

Tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức 4,3% vào tháng 7, qua đó kích hoạt chỉ báo suy thoái có độ chính xác cao là Quy tắc Sahm.

Thị trường bình tĩnh lạ thường

Bất chấp dữ liệu việc làm xấu đi, phản ứng của thị trường tài chính vẫn khá im ắng.

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/8, trong đó S&P 500 nhích 0,4% và còn cách đỉnh lịch sử khoảng 1%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 3,818% xuống còn 3,778%.

Chia sẻ với Fortune, nhà kinh tế Brian Albrecht của Trung tâm Luật và Kinh tế Quốc tế cho biết ông không ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của thị trường.

“Số liệu việc làm bị điều chỉnh mạnh nhưng chúng tôi còn dự kiến mức giảm lớn hơn nhiều”, ông nhấn mạnh. Trước đó, các tổ chức tư nhân dự báo số việc làm mới có thể “bốc hơi” đến 1 triệu.

Chiến lược gia Eric Wallerstein của Yardeni Research còn lưu ý mức tăng trưởng việc làm hàng tháng sau khi điều chỉnh đang tương đương mức năm 2018, 2019. “Chẳng có gì đáng phải đổ mồ hôi hột”, ông nói.

Một lý do quan trọng hơn có thể khiến các nhà đầu tư phớt lờ sự suy yếu của thị trường lao động là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Họ kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất, thậm chí giảm mạnh, nếu thị trường việc làm suy yếu đáng kể.

 

Kể từ tháng 3/2022, các quan chức Fed đã tăng lãi suất từ mức gần 0 lên phạm vi 5,25 - 5,5%. Sau đó, họ “án binh bất động” trong hơn một năm qua để chờ lạm phát thoái lui.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed (được công bố cùng ngày Bộ Lao động đưa ra dữ liệu mới) đã tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư.

“Phần lớn” những người tham gia cuộc họp “nhận thấy nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến như dự kiến, khả năng nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo là phù hợp”, biên bản nêu rõ.

Một mặt, các quan chức nhìn thấy áp lực lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Mặt khác, một số người lo ngại về thị trường lao động cũng như những khó khăn mà các hộ gia đình, đặc biệt là những người thu nhập thấp, đang gặp phải.

“Phần lớn các quan chức nhận xét rủi ro đối với mục tiêu việc làm đã tăng lên và rủi ro đối với mục tiêu lạm phát đã giảm xuống”, biên bản viết. “Một số người lo ngại có khả năng sự nới lỏng trên thị trường lao động có thể chuyển biến xấu”.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 là 69,5%. Xác suất cho kịch bản giảm 50 điểm cơ bản vào khoảng 30,5%.

Yên Khê

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.