|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ chỉ tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng

19:39 | 02/08/2024
Chia sẻ
Báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy thị trường lao động đang tiếp tục suy yếu, có thể buộc Fed phải sớm hạ lãi suất.

Tờ rơi tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Long Beach, California. (Ảnh: Bloomberg).

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy vào tháng 7, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 114.000 việc làm. Kết quả này thấp hơn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát và cũng giảm đáng kể so với mức tăng trưởng việc làm (đã điều chỉnh) vào tháng 6 là 179.000.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi lên và chạm mức 4,3% vào tháng 7 - kết quả cao nhất kể từ tháng 10/2021. 

Thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động Mỹ tăng 0,2% so với tháng 6 và 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế, lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Hợp đồng tương lai chứng khoán khoán Mỹ tiếp đà giảm sau khi các số liệu việc làm được công bố, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc lao dốc.

Báo cáo chỉ ra chăm sóc sức khoẻ một lần nữa là lĩnh vực tạo thêm nhiều việc làm nhất. Cụ thể, ngành này đã tuyển dụng khoảng 55.000 lao động mới.

Các lĩnh vực cũng ghi nhận mức tăng mạnh bao gồm xây dựng (25.000), chính phủ (17.000) và vận tải - kho bãi (14.000). Giải trí và khách sạn, một ngành đi đầu trong vài năm qua, tuyển dụng thêm 23.000 lao động.

Trái lại, ngành dịch vụ thông tin mất 20.000 việc làm.

 

Vào tháng 7, nền kinh tế Mỹ tạo ít việc làm hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Thị trường việc làm là trụ cột của nền kinh tế Mỹ nhưng gần đây đã cho thấy một số dấu hiệu bất ổn. Mức tăng trưởng việc làm của tháng 7 thấp hơn nhiều so với con số trung bình 215.000 trong 12 tháng qua.

Chia sẻ với CNBC, bà Becky Frankiewicz, Giám đốc cấp cao của công ty tuyển dụng Manpower Group, cho biết: “Với sự hạ nhiệt trên diện rộng, thị trường việc làm đã đánh mất hầu hết thành quả đạt được trong quý I”.

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ đã bổ sung thêm các tín hiệu trái chiều về nền kinh tế số một thế giới. Thị trường tài chính đang rất quan tâm đến phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Vào ngày 31/7, các nhà đầu tư đã vui mừng khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9.

Tuy nhiên, tâm trạng của thị trường nhanh chóng chuyển sang lo lắng khi dữ liệu kinh tế vào ngày 1/8 cho thấy số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng và lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu.

Các số liệu nêu trên đã kích hoạt đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay trên Phố Wall và làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu hạ lãi suất.

Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 4 tháng liên tiếp.

Một điểm đáng lưu ý là báo cáo việc làm tháng 7 đã kích hoạt Quy tắc Sahm.

Theo nhà kinh tế Claudia Sahm, “mẹ đẻ” của Quy tắc Sahm, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng, thì nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Hiện tại, mức chênh lệch giữa tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng so với mức thấp nhất trong 12 tháng là 0,53 điểm %.

Bất chấp một số lo lắng, tại cuộc họp chính sách vào giữa tuần, Chủ tịch Powell đã bày tỏ sự tin tưởng về thể trạng của nền kinh tế Mỹ. Ông cho biết xu hướng hạ nhiệt của lạm phát đang giúp Fed thêm tự tin rằng họ có thể sớm cắt giảm lãi suất.

Trao đổi với CNBC, ông Clark Bellin, CIO của Bellwether Wealth, lưu ý: “Mặc dù thị trường lao động vẫn đứng vững trong hai năm qua bất chấp lãi suất tăng cao, Fed vẫn phải đi trước sự chững lại của thị trường lao động bằng cách giảm lãi suất vào tháng 9 như kỳ vọng của các nhà đầu tư”.

 

Yên Khê

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.