|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quy tắc Sahm - thứ Fed nên hết sức lưu tâm ở thời điểm này

20:01 | 20/07/2024
Chia sẻ
Ngay bây giờ, một góc Phố Wall đang bàn tán về Quy tắc Sahm, một trong những chỉ báo suy thoái tốt nhất hiện có.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Điều kiện lý tưởng

Trong hơn hai năm qua, lạm phát dường như đã làm lu mờ mọi thứ khác tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các quan chức hầu như chỉ có một mục tiêu duy nhất: tăng lãi suất để khống chế áp lực giá.

Giờ đây, trong một diễn biến rất được thị trường tài chính toàn cầu quan tâm, Fed có thể sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 khi lạm phát sắp quay trở lại mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này.

Vào tháng 5, thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh hơn 7% vào tháng 6/2021.

Một dấu hiệu đáng khích lệ khác là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Báo cáo mới nhất cho thấy vào tháng 6, CPI chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.

Và xét về nhiều mặt khác, nền kinh tế Mỹ hiện tại có vẻ rất tốt. Tăng trưởng GDP ổn định, dù đôi phần chững lại so với cuối năm ngoái. Thị trường chứng khoán vẫn ở mức cao kỷ lục, dù bị bán tháo trong vài phiên gần đây.

Nền kinh tế đã tạo thêm hơn 200.000 việc làm vào tháng 6 và ngày càng có nhiều người tìm kiếm việc làm hơn so với một năm trước.

Thêm vào đó, hầu hết người lao động đều đang thấy tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát. Du lịch nghỉ hè cũng đang bùng nổ, là một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình vẫn đang sống tốt.

 

Vẫn cần cẩn trọng

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng nền kinh tế thường có vẻ ổn định cho đến khi suy thoái xuất hiện. Trên thực tế, trạng thái tốt như bây giờ lại càng là lý do để mọi người nghiêm túc xem xét những dấu hiệu cảnh báo và từ đó hành động để ngăn chặn những diễn biến xấu.

Xuất hiện trước công chúng, các quan chức Fed tiếp tục nhận xét thị trường lao động là mạnh mẽ. Song, họ cũng cho biết thị trường có thể đang tiến gần đến một điểm bước ngoặt với khả năng số vị trí trống sẽ ngày càng giảm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ dần đi lên.

Điều trần trước Hạ viện Mỹ vào ngày 10/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay: “Vấn đề không chỉ là hạ nhiệt lạm phát. Chúng tôi còn cần phải lưu ý xem thị trường lao động đang ở đâu”.

Giữa tuần này, tại sự kiện của Fed chi nhánh Kansas, Thống đốc Christopher Waller bày tỏ: “So với một thời gian dài trước đây, tình trạng thất nghiệp đang có nguy cơ xấu đi”.

Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng những rạn nứt trên thị trường việc làm hiện chưa nghiêm trọng đến mức phải hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, bà thừa nhận mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng.

Số cơ hội việc làm cho người lao động thất nghiệp từng đạt mức cao kỷ lục trong thời kỳ hậu COVID nhưng bây giờ đã giảm trở lại mức năm 2019. Hoạt động tuyển dụng đã chậm lại và chỉ tập trung vào một số nhóm ngành.

Tỷ lệ thất nghiệp đã đi lên trong ba tháng liên tiếp và đạt mức 4,1% vào tháng 6. Thước đo này vẫn ở mức thấp so với lịch sử, nhưng đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2021. Tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát nhưng cũng đã chững lại.

 

Quy tắc Sahm

Ngay bây giờ, một góc Phố Wall đang bàn tán về Quy tắc Sahm, một trong những chỉ báo suy thoái tốt nhất hiện có.

Theo Quy tắc Sahm, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó thì nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

“Mẹ đẻ” của chỉ báo này là bà Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Fed. Bà Sahm cho rằng khi mọi người bắt đầu mất việc, họ sẽ cắt giảm chi tiêu và điều này sẽ khiến nhiều người thất nghiệp hơn.

Thông thường, suy thoái bắt đầu từ từ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ khiến ít ai để ý, đặc biệt là tại một nền kinh tế với khoảng 168 triệu người lao động như Mỹ. Song, tình trạng sa thải có thể leo thang nhanh chóng và đó là lý do tại sao Quy tắc Sahm trở nên chính xác hơn theo thời gian.

Hiện tại, chỉ báo này đang nhấp nháy ánh vàng. Nó chưa khẳng định suy thoái sẽ sớm xảy ra, nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng và các quan chức Fed nên chú ý.

 

Theo số liệu việc làm mới nhất, chênh lệch giữa tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 12 tháng đã tăng lên mức 0,43 điểm % - rất gần mốc kích hoạt suy thoái là 0,5 điểm %.

So với đầu năm nay, mức chênh lệch đã tăng gấp đôi. Và hình dung một cách dễ hiểu, nền kinh tế Mỹ hiện có thêm khoảng 800.000 người thất nghiệp so với một năm trước.

Chia sẻ với Washington Post, nhà kinh tế Sahm đánh giá: “Chúng ta đang thấy đèn nhấp nháy ánh vàng. Có lẽ chúng ta nên thảo luận về rủi ro suy thoái từ bây giờ”.

Bà lưu ý nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu chậm lại, bằng chứng là nợ thẻ tín dụng đang tăng lên và người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Theo vị chuyên gia, Fed nên cắt giảm lãi suất.

“Mẹ đẻ” của Quy tắc Sahm không kỳ vọng Fed sẽ hành động tại cuộc họp tiếp theo (dự kiến diễn ra trong hai ngày 30 - 31/7), nhưng các quan chức có thể sẽ thảo luận nghiêm túc về việc hạ lãi suất vào tháng 9.

Bà Sahm, hiện là nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn New Century Advisors, cảnh báo: “Vào thời điểm nền kinh tế rõ ràng đã rơi vào suy thoái thì đã quá muộn để các công cụ của Fed phát huy tác dụng”.

Dù vậy, có lẽ câu hỏi hóc búa nhất bây giờ là liệu lần này Quy tắc Sahm có sai lầm hay không khi mà người nhập cư vào Mỹ đã tăng lên trong những năm gần đây.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và một số chuyên gia cho biết người nhập cư đã giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ. Họ lấp đầy những vị trí trống mà không ai muốn làm và giúp doanh nghiệp mở rộng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế rất khó để đo lường chính xác tác động của người nhập cư. Họ thường ít tham gia các cuộc khảo sát của chính phủ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được xác định dựa trên cuộc khảo sát các hộ gia đình và tỷ lệ phản hồi đã đi xuống trong những năm gần đây.

Yên Khê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.