|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗi lo lạm phát nguôi ngoai, Fed đương đầu với mối nguy mới

07:32 | 12/07/2024
Chia sẻ
Trong vài năm qua, hiểm họa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ là lạm phát. Nhưng giờ khi lạm phát đã hạ nhiệt, một rắc rối khác lại nổi lên: tình trạng thất nghiệp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Axios/Getty Images) 

Thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ nhưng đã bắt đầu phát đi một số tín hiệu đáng chú ý. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải đối mặt với rủi ro là họ đang mắc sai lầm khi duy trì lãi suất cao trong thời gian quá lâu.

Đó là lý do một số nhà kinh tế đang khẩn thiết kêu gọi Fed nương tay trong cuộc chiến chống lạm phát. Những chuyên gia này lo ngại rằng lãi suất cao sẽ khiến Mỹ sa lầy vào suy thoái.

Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, tuyên bố: “Giờ là lúc để Fed hạ lãi suất. Lạm phát không còn là nỗi lo đáng quan tâm duy nhất. Rủi ro lớn hơn là tình trạng thất nghiệp gia tăng”.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nhận xét thị trường lao động đang oằn mình dưới sức ép của chi phí vay cao.

Vị chuyên gia nói với CNN: “Mối nguy lớn nhất với nền kinh tế là Fed mắc sai lầm chính sách và duy trì lãi suất quá cao trong thời gian quá lâu. Lúc này, các quan chức báo hiệu họ sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Tôi nghĩ điều đó cũng ổn, nhưng nếu họ chờ đợi thêm nữa, rất có thể họ sẽ kìm hãm nền kinh tế quá mức”.

Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận cân nhắc của các đồng nghiệp đã thay đổi phần nào. Ông phát biểu trước các nhà lập pháp vào ngày 9/7: “Lạm phát cao không phải rủi ro duy nhất chúng tôi phải đối mặt”. Ông chỉ ra rằng áp lực giá đã giảm bớt và thị trường lao động đang “hạ nhiệt”.

Rạn nứt

Thị trường lao động Mỹ chưa sụp đổ. Số việc làm mới hàng tháng vẫn đang tăng trưởng với tốc độ lành mạnh. Nhưng dưới vẻ ngoài bình yên, các vết rạn nứt đã bắt đầu lộ ra.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 4,1% - vẫn ở mức thấp so với lịch sử. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã đi lên rõ rệt trong ba tháng liên tiếp. Các nhà kinh tế tại KPMG nhận xét: “Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang chuyển biến”.

 

Tốc độ tuyển dụng đã chậm lại trong ngành giải trí và khách sạn - lĩnh vực quan trọng được hỗ trợ bởi chi tiêu của người tiêu dùng. Tốc độ người lao động bỏ việc cũng giảm đáng kể. Và tốc độ người kiếm được việc cũng vậy.

Ông Powell nhấn mạnh những thay đổi trên, đồng thời nói với các nhà lập pháp rằng các chỉ báo gần đây phát đi tín hiệu rõ ràng là thị trường lao động đã “hạ nhiệt đáng kể” so với hai năm trước. Ông bình luận: “Nền kinh tế Mỹ không còn tăng trưởng quá nóng”.

Hồi năm 2022, nỗi lo của Fed là thị trường lao động nóng bỏng sẽ đổ thêm dầu vào lửa lạm phát và khiến giá cả mắc kẹt ở mức cao nguy hiểm, buộc các nhà hoạch định chính sách phải gây ra suy thoái để sửa chữa tình hình.

Giờ đây, Fed không còn coi lạm phát quá cao và thị trường việc làm quá dồi dào là nỗi lo ngại lớn nữa.

Chờ quá lâu?

Rủi ro là Fed đang “chạy chữa” lạm phát quá nhiệt tình trong khi nền kinh tế không còn cần liều thuốc lãi suất cao nữa. Phương pháp trị liệu của Fed có thể khiến thị trường lao động hạ nhiệt nhiều đến mức đóng băng, khiến nhiều việc làm bị xóa sổ.

Mỹ có thêm 206.000 việc làm trong tháng 6. Qua con số này, Chủ tịch Fed đánh giá thị trường lao động hiện nay không quá nóng cũng không quá lạnh, hay nói cách khác là “cân bằng”.

Nhưng chuyên gia kinh tế Brusuelas lưu ý: “Nếu lãi suất của Fed có tác động kìm hãm quá mức, thị trường lao động sẽ không thể duy trì trạng thái cân bằng được lâu. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên”.

Nhà kinh tế này nói rõ ý của ông không phải là tỷ lệ thất nghiệp sắp “nhảy vọt”, nhưng Mỹ có nguy cơ sẽ rơi vào suy thoái nếu Fed chờ đợi quá lâu để giảm lãi suất.

 

Trong báo cáo ngày 8/7, nhà kinh tế cấp cao Ken Kim của KPMG lưu ý tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã gần sát ngưỡng kích hoạt “Quy tắc Sahm”. Quy tắc này xác định khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng thì nền kinh tế đang suy thoái.

Ông Kim cũng chỉ ra lĩnh vực dịch vụ - động cơ tăng trưởng kinh tế quan trọng của Mỹ - cũng đột nhiên cho thấy dấu hiệu suy yếu. Ông viết: “Lạm phát không còn là nỗi lo chính nữa. Điều đáng ngại không kém đối với Fed là khả năng hoạt động kinh tế và thị trường lao động xuống dốc”.

Điều gì khiến Fed chần chừ?

Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Khói lửa ở Trung Đông chưa dứt, gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh, các nhà máy lọc dầu của Nga bị tấn công bởi máy bay không người lái.

Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 cũng là một ẩn số phức tạp đối với Fed. Một số nhà kinh tế nổi tiếng lo ngại rằng chính sách kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump - bao gồm các khoản cắt giảm thuế, siết chặt dòng người nhập cư và leo thang thuế quan - sẽ một lần nữa “châm ngòi” cho lạm phát.  

Thêm nữa, nếu giảm lãi suất quá sớm, Fed có thể sẽ kích thích nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thúc đẩy lạm phát và khiến tình hình tệ hơn.

Vào thập niên 1970, sau khi nhanh chóng tăng lãi suất, Fed đã vội vã cắt giảm trước khi khống chế hoàn toàn lạm phát. Áp lực giá vọt tăng trở lại và buộc Fed thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp muốn chắc rằng họ sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.