Citi: Mỹ sắp suy thoái, buộc Fed phải giảm lãi suất 200 bps trong 8 cuộc họp liên tiếp
Dự đoán gây sốc
Trong lưu ý công bố vào ngày 5/7, các nhà nghiên cứu của ngân hàng Citi đã chỉ ra các dấu hiệu mới cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang giảm tốc. Họ dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất trong 8 cuộc họp liên tiếp, mỗi lần 25 điểm cơ bản (bps), bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 7/2025.
Điều này có nghĩa lãi suất chính sách của Mỹ sẽ giảm 200 bps từ mức hiện tại là 5,25 - 5,5%. Sau đó, Citi dự đoán Fed sẽ duy trì lãi suất ở phạm vi 3,25 - 3,5% trong những tháng còn lại của năm 2025.
Cụ thể, các nhà phân tích của Citi chỉ ra nền kinh tế số một thế giới đã giảm tốc sau khi tăng trưởng nhanh chóng vào năm 2023, còn lạm phát thì nối lại đà giảm sau khi gây bất ngờ trong vài tháng đầu năm.
Tuy nhiên, vào tháng 6, thước đo ngành dịch vụ của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đã bất ngờ rơi xuống dưới mốc 50, còn tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên 4,1%. Hai dữ liệu này báo hiệu rủi ro hoạt động kinh tế suy yếu nặng nề hơn, dẫn đến khả năng Fed cắt giảm lãi suất nhanh chóng hơn kỳ vọng của thị trường.
Báo cáo về thị trường lao động cùng với các phát biểu bồ câu của Chủ tịch Jerome Powell vào ngày 2/7 cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 9.
Citi dự đoán: “Sau đó, hoạt động kinh tế vẫn sẽ tiếp tục suy yếu, thúc đẩy Fed giảm lãi suất trong 7 cuộc họp kế tiếp. Đó là kịch bản cơ sở của chúng tôi”.
Citi cũng nêu ra những dấu hiệu đáng lo khác trong báo cáo tháng 6 của Bộ Lao động Mỹ, ví dụ số liệu việc làm của những tháng trước đó bị điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ còn loại bỏ bớt 49.000 nhân viên tạm thời.
Citi bình luận: “Mức giảm lớn như vậy thường xảy ra khi suy thoái cận kề và chủ lao động bắt đầu cho thôi việc những nhân viên ít gắn bó nhất”.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế tạo ra đến 206.000 việc làm mới trong tháng 6, nhưng Citi cho rằng tỷ lệ thất nghiệp là thước đo quan trọng hơn. Và Citi cho biết nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi lên với tốc độ hiện nay thì chỉ báo suy thoái “Quy tắc Sahm” có thể sắp được kích hoạt.
Theo “Quy tắc Sahm”, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng thì nền kinh tế đang suy thoái. Quy tắc này đã được chứng minh là đúng cho mọi cuộc suy thoái kể từ ít nhất là năm 1948.
Mỹ sẽ suy thoái?
Ông Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế trưởng cấp cao của Citi, có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế - trái với quan điểm lạc quan chung của Phố Wall.
Hồi tháng 5, ông lặp lại lời cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng tới một cuộc hạ cánh cứng và các đợt giảm lãi suất của Fed sẽ không thể cứu vãn tình hình. Ba tháng trước đó, ông cũng đưa ra dự báo tương tự bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của số liệu việc làm hàng tháng.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tuần trước, ông Hollenhorst nhận định một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các chính trị gia đồng lòng tăng cường chi tiêu, tạm thời bỏ qua nỗi lo về mức thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Mỹ chỉ suy thoái nhẹ thì chưa chắc giới chính trị gia sẽ phê chuẩn các khoản chi để kích thích nền kinh tế.
Ông cũng chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất của Fed đã không kìm hãm nền kinh tế nhiều như dự kiến và tương tự, các đợt giảm lãi suất cũng sẽ không tạo ra được tác động kích thích như mong đợi.
Thêm nữa, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã xuống dưới kỳ hạn hai năm và do đó khó có thể giảm mạnh.
Ông Hollenhorst cho biết: “Hầu hết hoạt động kinh tế nhạy cảm với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hơn là lãi suất chính sách của Fed. Do đó, tôi nghi ngờ về khả năng truyền tải tác động kích thích của các đợt cắt giảm lãi suất tới nền kinh tế”.