|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia cảnh báo Mỹ sắp suy thoái, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc 30%

10:29 | 01/07/2024
Chia sẻ
Chiến lược gia cấp cao của BCA Research dự kiến Mỹ sẽ suy thoái ngay trong năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Song, vị chuyên gia cho rằng Fed sẽ không nhanh chóng hành động để giải cứu nền kinh tế vì lo ngại lạm phát bùng phát trở lại.

(Hình minh họa: MarketWatch). 

Suy thoái đang đến?

Ông Peter Berezin, chiến lược gia cấp cao của công ty nghiên cứu BCA Research, viết trong báo cáo ngày 27/6 rằng ông đã hạ dự báo mục tiêu cho chỉ số S&P 500 xuống còn 3.750 điểm vì Mỹ sẽ sớm rơi vào một cuộc suy thoái bất ngờ.

Ông dự kiến suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025.  Dự báo trên đồng nghĩa với việc S&P 500 có thể giảm hơn 30% kể từ mức đóng cửa ngày 28/6.

Điều tệ hơn nữa với các nhà đầu tư là ông Berezin dự kiến nỗi đau kinh tế sẽ không chỉ gói gọn trong nước Mỹ. Ông dự đoán tốc độ tăng trưởng của châu Âu sẽ chậm lại sau khi vừa bắt đầu phục hồi. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng bất động sản, cũng có thể sa sút.

Trong kịch bản này, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều sẽ suy yếu, đè nặng lên chứng khoán toàn cầu.

Nói riêng về nước Mỹ, dự báo của ông Berezin bắt nguồn từ một nhận định gần đây trên Phố Wall. Một số chuyên gia cho rằng sự suy yếu của thị trường lao động sẽ nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn, gây áp lực khổng lồ lên chi tiêu tiêu dùng - động cơ quan trọng của nền kinh tế.

Ông chỉ ra một loạt dữ liệu cho thấy tốc độ tuyển dụng chóng mặt trong thời đại dịch đã giảm sút đáng kể và công chúng đang đối mặt với thị trường lao động kém hấp dẫn hơn trước nhiều.

Dữ liệu chính thức cho thấy số vị trí trống đã giảm rõ rệt và tỷ lệ thôi việc cũng vậy. Các cuộc khảo sát tư nhân về số vị trí đang tuyển dụng còn cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng hơn. Cùng lúc đó, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ phản ánh rằng tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chững lại.

 

Một số báo cáo kinh tế gần đây cũng cho thấy dấu hiệu chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, bao gồm chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 5. Nhưng ông Berezin tin rằng đây có thể chỉ là sự khởi đầu vì sự suy yếu đột ngột của thị trường lao động có thể gây ra vòng lặp tai hại.

Dữ liệu từ các ngân hàng cho thấy những người Mỹ thu nhập thấp có vẻ đã tiêu cạn tiền tiết kiệm thời đại dịch. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng và vay mua ô tô leo lên mức cao nhất kể từ năm 2010 và tiếp tục đi lên, các nhà băng có thể thắt chặt tiêu chuẩn cho vay, gia tăng áp lực lên người tiêu dùng.

Khi sức chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi, ông Berezin dự kiến doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư. Dữ liệu BCA tổng hợp cho thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chuẩn bị để giảm các khoản đầu tư cho tài sản cố định.  

Khó giúp đỡ

Một khi suy thoái ập đến, ông Berezin cho là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội can thiệp. Nỗi lo kích hoạt làn sóng lạm phát lần hai rất có thể sẽ khiến Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp ngần ngại hành động.

Nền kinh tế Mỹ khó có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của chính sách tài khóa. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên tương đương 7% GDP trong năm 2024. Hiện tại, nước Mỹ cần chi tiêu ngân sách một cách hợp lý chứ không thể mãi gia tăng thâm hụt. 

Do đó, bất kể ông Joe Biden hay Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, nhiều khả năng thị trường trái phiếu sẽ phản ứng với các nỗ lực tăng chi tiêu liều lĩnh của chính phủ.

BCA khuyến nghị khách hàng giảm nắm giữ cổ phiếu, đồng thời tăng tỷ trọng của tiền mặt và trái phiếu trong danh mục.

Tờ MarketWatch cho biết trước đó, dự báo tiêu cực nhất về thị trường chứng khoán Mỹ thuộc về JPMorgan Global Research. Công ty này ước tính S&P 500 sẽ kết năm ở mức 4.200 điểm, thấp hơn 23% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.

Trong báo cáo triển vọng được công bố hồi tuần trước, JPMorgan dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024.

Kịch bản tiêu cực của JPMorgan được xây dựng dự trên lập luận các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn góp công thúc đẩy thị trường trong năm qua sẽ ngày càng khó đáp ứng được kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư.

Ông Marko Kolanovic, chuyên gia hàng đầu của JPMorgan, chỉ ra định giá của những cổ phiếu này có vẻ quá cao. Điều này có nghĩa là tới một lúc nào đó, làn sóng đầu tư vào các cổ phiếu trí tuệ nhân tạo sẽ thoái trào, khiến chỉ số S&P 500 trượt dốc.

Giang