|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed hạ lãi suất: Cơ hội xoa dịu áp lực tỷ giá và giúp dòng vốn trở lại các nền kinh tế mới nổi

14:53 | 17/07/2024
Chia sẻ
Một khi Fed giảm lãi suất, sức mạnh của đồng USD có thể suy yếu vài phần.

Nhờ lãi suất tăng cao, nền kinh tế Mỹ đã hút được lượng lớn vốn đầu tư trong vài năm gần đây. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Mỹ là nam châm hút vốn

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và các đồng minh trong khối BRICS, nỗ lực đa dạng hoá khỏi đồng USD.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh lại ngày càng thể hiện sức mạnh và ưu thế vượt trội. Bằng chứng là Mỹ đã hút gần 1/3 tổng dòng vốn đầu tư quốc tế kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo một phân tích mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gửi cho Bloomberg, tỷ trọng của Mỹ trong dòng chảy vốn toàn cầu đã tăng đáng kể. Tỷ trọng trung bình trước đại dịch của Mỹ chỉ đạt khoảng 18%.

Lãi suất tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là một lực hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giữ lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5%.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng hút lượng lớn vốn FDI mới nhờ những chính sách ưu đãi trị giá hàng tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch và chất bán dẫn.

Xu hướng này đánh dấu sự thay đổi lớn so với giai đoạn trước đại dịch, khi dòng vốn quốc tế chủ yếu rót vào các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh chóng.

 

Trái ngược với Mỹ, tỷ trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong dòng vốn toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Theo IMF, tỷ trọng của quốc gia tỷ dân trong giai đoạn 2021 - 2023 là khoảng 3%, giảm so với mức 7% trong một thập kỷ tính đến năm 2019. Dữ liệu chính thức tháng 4 cho thấy đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã chậm lại trong tháng thứ 4 liên tiếp.

Và, trong bối cảnh lãi suất chạm mức thấp kỷ lục, dòng vốn nội địa của Trung Quốc đang tìm đường ra nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước đã mua nhiều ngoại hối nhất kể từ năm 2016 vào tháng 4.

Đối với các thị trường mới nổi cần nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn để bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến, xu hướng hiện tại không thực sự dễ chịu. Năm ngoái, tổng vốn FDI vào các thị trường mới nổi chỉ tương đương 1,5% tổng GDP - mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ 21.

Ông Jonathan Fortun, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, nhận xét: “Nền kinh tế Mỹ đang thu hút mọi sự chú ý. Mỹ đã hút một phần dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi”.

Kết quả vượt trội của các cổ phiếu vốn hoá lớn tại Mỹ cũng góp phần thúc đẩy các nhà quản lý danh mục đầu tư phân bổ lại dòng vốn.

Chỉ riêng mức tăng vốn hoá của gã khổng lồ bán dẫn Nvidia trong năm nay đã tương đương vốn hoá toàn thị trường của một số nền kinh tế mới nổi.

Chia sẻ với Bloomberg, CEO Stephen Jen của Eurizon SLJ cho hay: “Dòng vốn FDI vào Trung Quốc và vốn đầu tư vào chứng khoán Mỹ đã thay đổi đáng kể so với những năm trước đại dịch. Mô hình mới này có thể chỉ thay đổi khi chính sách ở Mỹ và Trung Quốc thay đổi”.

Thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi giao dịch kém so với thế giới cũng như Mỹ.

Thay đổi cục diện

Tình hình có thể thay đổi trong vài tháng tới.

Vào tháng 6, lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt tháng thứ ba liên tiếp sau giai đoạn nóng lên vào đầu năm. Thị trường tài chính đang ăn mừng, bởi lẽ các quan chức Fed nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất.

Báo cáo tuần trước của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm 0,1% so với tháng 5 và chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai kết quả đều thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế.

Một báo cáo trước đó cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) chỉ đi lên 2,6% so với cùng kỳ vào tháng 5. Thước đo này đang ngày càng tiến gần mục tiêu 2% của Fed.

Các số liệu lạm phát mới, cùng dấu hiệu suy yếu trên thị trường lao động, có thể giúp thuyết phục giới chức Fed rằng lạm phát đang trở lại mức 2%. Nếu lạm phát tiếp tục đi xuống trong suốt mùa hè, khả năng cao ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.

Chủ tịch Jerome Powell thậm chí còn phát tín hiệu rằng Fed sẽ không chờ cho đến khi lạm phát chạm mức 2% mới bắt đầu giảm lãi suất.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, ông Powell lưu ý: “Nếu đợi đến lúc đó, có thể chúng tôi đã đợi quá lâu, vì lạm phát sẽ đi xuống và có thể xuống dưới mức 2%. Đó là điều chúng tôi không mong muốn”.

 

Cơ hội cho các thị trường mới nổi

Một khi Fed bắt đầu hành động, chu kỳ nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương này có thể khiến nhà đầu tư toàn cầu bớt quan tâm đến các tài sản Mỹ, bao gồm đồng USD.

Trong hơn một năm qua, sự trỗi dậy của đồng bạc xanh đã gây áp lực buộc ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế mới nổi phải tăng cường nỗ lực bảo vệ đồng nội tệ, đặc biệt là tại khu vực châu Á.

Nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở tại Pháp) cho thấy đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang chứng kiến dòng vốn tháo chạy mạnh nhất trong vòng 8 năm.

Natixis ước tính tính đến tháng 5, dòng vốn ra ròng trong 12 tháng liền trước của Trung Quốc ở mức 139 tỷ USD. Đây là năm dòng vốn tháo chạy nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn năm 2016 - 2017.

Vậy nên, khi các quan chức Fed hạ lãi suất, đồng USD yếu đi sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá của các nền kinh tế mới nổi.

Chia sẻ với CNBC vào giữa tháng 2, các chuyên gia dự đoán đồng nhân dân tệ Trung Quốc và rupee Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ, bên cạnh đồng won Hàn Quốc.

Đồng thời, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi có thể mạnh lên một khi Fed đảo chiều chính sách.

Chưa kể, việc cắt giảm lãi suất của Fed còn có thể giúp đảo ngược xu hướng rút ròng của khối ngoại trong những tháng gần đây ở các thị trường chứng khoán châu Á như Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam.

 

Trong nghiên cứu gần đây, Viện Tài chính Quốc tế dự đoán các nền kinh tế đang phát triển lớn sẽ chứng kiến dòng vốn vào ròng tăng hơn 32% lên 903 tỷ USD trong năm nay.

Mức tăng 32% này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn FDI và dòng tiền chảy vào danh mục đầu tư chứng khoán.

Trong đó, dòng vốn FDI ròng được kỳ vọng sẽ tăng lên 426 tỷ USD, trong khi dòng vốn ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán có thể đi từ mức 161 tỷ USD năm 2023 lên 259 tỷ USD.

Nghiên cứu lưu ý Trung Quốc, nền kinh tế chứng kiến dòng vốn tháo chạy mạnh trong hai năm qua, sẽ phục hồi một cách khiêm tốn.

Yên Khê