|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát hạ nhiệt mạnh vào tháng 6, Fed có thể sẽ sớm giảm lãi suất

19:47 | 11/07/2024
Chia sẻ
Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt mạnh hơn những gì các nhà kinh tế dự kiến, củng cố kịch bản Fed hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Người dân mua sắm bên trong một siêu thị tại Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,1% so với tháng 5. Đồng thời, CPI tháng 6 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. 

Loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tháng 6 tăng 0,1% so với tháng 5 và 3,3% so với cùng kỳ. Cả hai đều tăng thấp hơn dự báo tương ứng của các nhà kinh tế là 0,2% và 3,4%.

Theo báo cáo, xăng dầu là mặt hàng giúp kìm hãm lạm phát trong tháng 6. Cụ thể, giá xăng đi xuống 3,8%, giúp bù đắp cho mức tăng 0,2% của thực phẩm và chi phí nhà ở.

Chi phí nhà ở là một trong những thành phần “cứng đầu” nhất của lạm phát và chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng rổ hàng hoá dùng để tính CPI. Vì vậy, đà tăng của chi phí nhà ở chững lại là một dấu hiệu tích cực.

Ngoài giá năng lượng giảm và chi phí nhà ở tăng khiêm tốn hơn, giá xe đã qua sử dụng của tháng 6 giảm 1,5% so với tháng 5 và 10,1% so với một năm trước. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra đợt tăng đầu tiên của lạm phát vào năm 2021.

Hợp đồng tương lai gắn với chứng khoán Mỹ đã bật tăng sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo CPI, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống.

Vào tháng 6, CPI toàn phần chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất trong ba năm qua.

Wall Street Journal nhận định, sau báo cáo CPI mới nhất, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên. Ngân hàng trung ương Mỹ đang giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm.

Hiện tại, các nhà đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo (dự kiến diễn ra vào ngày 30 - 31/7) vì các quan chức chưa công khai đồng tình cho một động thái như vậy.

Một câu hỏi quan trọng hơn cho cuộc họp tới là các quan chức có đặt nền móng cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 hay không và ở mức độ nào.

Báo cáo CPI mới nhất, cùng với hai số liệu về giá còn lại của tháng 6, đóng vai trò rất quan trọng vì chúng sẽ là những dữ liệu cuối cùng mà các nhà hoạch định chính sách có được trước cuộc họp.

Trước CPI tháng 6, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt - không đủ để làm dấy lên lo ngại suy thoái nhưng đủ để thúc đẩy các quan chức Fed thay đổi góc nhìn.

Chẳng hạn, các báo cáo gần đây về tiêu dùng hộ gia đình, hoạt động xây dựng và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đều thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế. Ước tính về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II do đó cũng đi xuống.

Mặt tích cực là các doanh nghiệp vẫn tạo thêm trung bình hơn 200.000 việc làm mỗi tháng trong năm nay. Song, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức 3,7% vào tháng 12 năm ngoái lên 4,1% vào tháng 6.

Nhìn chung, các dữ liệu cho thấy quy mô lực lượng lao động đang lớn lên, một phần do dân nhập cư gia tăng, nhưng nhu cầu lao động đã giảm bớt.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell hàm ý rằng việc thị trường lao động tiếp tục yếu đi có thể là điều không mong muốn.

Ông Powell lưu ý thị trường lao động “không phải là nguồn gây áp lực lạm phát đáng ngại cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại”.

 

Yên Khê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.