|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau báo cáo việc làm tháng 7, một chỉ báo suy thoái đã được kích hoạt

06:36 | 03/08/2024
Chia sẻ
Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong 4 tháng liên tiếp và vượt qua một ngưỡng từng báo hiệu nhiều cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ.

 

Nền kinh tế có đang suy thoái hay không? (Ảnh minh hoạ: iStock).

Thoả điều kiện

Hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đã giảm tốc đáng kể vào tháng 7, vượt xa dự đoán của các chuyên gia.

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/8, nền kinh tế nước này chỉ tạo được thêm 114.000 việc làm trong tháng trước. Kết quả này thấp hơn hẳn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát.

Tỷ lệ thất nghiệp nhích lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, do số người không có việc làm tăng 352.000.

Báo cáo còn cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong 4 tháng liên tiếp và phát đi một tín hiệu đáng ngại.

Bà Claudia Sahm, cựu nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lập luận rằng nền kinh tế đang suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước.

Vị chuyên gia đặt tên cho lý thuyết của mình là Quy tắc Sahm. Các nhà kinh tế khác yêu thích Quy tắc Sahm vì tính đơn giản và độ tin cậy của nó. Các cuộc suy thoái trong hơn nửa thế kỷ qua đều thoả mãn chỉ báo này.

Hiện tại, mức chênh lệch giữa tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng và tỷ lệ thấp nhất trong 12 tháng là 0,53 điểm %.

 

Tuy nhiên, bà Sahm lưu ý vào tuần trước rằng lần này “suy thoái sẽ không xảy ra ngay lập tức”, ngay cả khi Quy tắc Sahm được kích hoạt. Bà hiện là nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư New Century Advisors.

Trong vài năm qua, sliệu việc làm của Mỹ đã bị xáo trộn bởi sự gia tăng bất ngờ của dân nhập cư - phần lớn là bất hợp pháp.

Người nhập cư đã giúp mở rộng lực lượng lao động và xoa dịu tình trạng thiếu hụt nhân công trên toàn nền kinh tế. Song, không phải tất cả đều được thể hiện vào báo cáo việc làm.

Hơn nữa, những người nhập cư bất hợp pháp thường ít tham gia trả lời khảo sát việc làm của Bộ Lao động Mỹ, đồng nghĩa rằng họ có thể không được tính là người có việc làm.

Dù vậy, “mẹ đẻ” Quy tắc Sahm vẫn lo ngại về sự chậm lại của hoạt động tuyển dụng. Bà cảnh báo thị trường việc làm có thể tự xấu đi.

“Một khi thị trường lao động đã đi xuống một mức nhất định, tình hình thường tiếp tục xấu đi”, bà Sahm nói. Vị chuyên gia cảnh báo Quy tắc Sahm “đang không hoạt động như bình thường, nhưng đừng nên phớt lờ nó”.

Theo hãng tin AP, bà từng thúc giục các nhà hoạch định chính sách của Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 30 - 31/7. Song, các quan chức đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 22 năm.

Chia sẻ trong cuộc họp báo ngay sau quyết định chính sách, Chủ tịch Jerome Powell bày tỏ nếu lạm phát tiếp tục giảm một cách bền vững về mức mục tiêu 2%, Fed có thể hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 9.

Một số nhà kinh tế khác thì đang băn khoăn liệu Fed có đang chờ đợi quá lâu để bắt đầu nới lỏng tiền tệ hay không. 

"Phải chăng Fed đã phạm phải một sai lầm chính sách?", chiến lược gia Seema Shah của Principal Asset Management tự hỏi. "Thị trường lao động đang chững lại một cách rõ rệt và có khả năng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Fed đang hy vọng rằng họ sẽ không hành động quá muộn một lần nữa".

 

Các chỉ báo suy thoái khác

Thông thường, lãi suất tăng cao sẽ khiến hoạt động đi vay và chi tiêu của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp trở nên tốn kém hơn, đến mức khiến nền kinh tế lao dốc.

Trước Quy tắc Sahm, một số chỉ báo khác đã phát tín hiệu cảnh báo suy thoái. Điểm đáng lưu ý là cho đến nay, suy thoái vẫn chưa xuất hiện, khiến một số nhà kinh tế đặt câu hỏi về tính chính xác của các chỉ báo đó.

Đường cong lợi suất đảo ngược đã cảnh báo suy thoái kể từ giữa năm 2022 nhưng chúng ta chưa thấy kết cục tồi tệ nào xảy ra. GDP Mỹ vẫn tăng 2,8% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Một loạt chỉ báo sớm do The Conference Board tổng hợp từng nhấp nháp ánh đỏ vào đầu năm 2022, nhưng hiện tại đã tắt. 

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý II, cao hơn hẳn dự báo.

Yên Khê

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.