Không phải chính phủ đóng cửa, lợi suất trái phiếu tăng mới là mối đe dọa với Mỹ
Chi phí đi vay lớn
Tuần trước, chính phủ Mỹ đã suýt phải đóng cửa trong bối cảnh các nhà lập pháp tranh cãi nảy lửa về ngân sách năm sau. Rốt cuộc, lưỡng đảng đã đạt được một thỏa thuận, nhưng đạo luật mới chỉ cấp ngân sách cho chính phủ thêm 45 ngày. Đến giữa tháng 11, rủi ro chính phủ đóng cửa sẽ lại tái diễn.
Tuy nhiên, theo tờ Economist, sự bất đồng sâu sắc tại Washington không phải là mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ. Cuộc tranh cãi giữa các chính trị gia chỉ liên quan tới khoảng 25% ngân sách còn lại của Mỹ sau khi loại trừ các khoản chi tiêu “bắt buộc”, ví dụ như lương hưu và y tế.
Bài toán ngân sách của Mỹ thực ra lớn hơn nhiều và đang ngày càng tệ đi. Để hiểu được vấn đề, chúng ta cần theo dõi các diễn biến đáng ngại trên thị trường trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, thước đo đại diện cho chi phí đi vay hàng năm của Washington trong 10 năm, đã tăng lên 4,6%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Lợi suất đã trên đà tăng kể từ mùa xuân khi các nhà đầu tư bắt đầu dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất “ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn”.
Lần gần nhất lợi suất lên cao đến vậy là khi nợ của chính phủ liên bang tương đương với 35% GDP, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên tới 98%. Bởi vậy, lãi suất gia tăng sẽ gây thiệt hại cho ngân sách gấp gần ba lần.
Các dự báo chính thức mới nhất cho thấy trong năm nay, chính phủ Mỹ sẽ phải chi số tiền tương đương với 2,5% GDP để thanh toán nợ, tỷ lệ này cao gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Đến năm 2030, khoản chi này sẽ tương đương 3,2% GDP, mức cao nhất mọi thời đại và lớn hơn cả chi tiêu cho quốc phòng. Chưa kể, ngay cả ước tính đó cũng có thể quá lạc quan, bởi nó được lập ra dựa trên giả định lợi suất trái phiếu kho bạc sẽ được duy trì ở mức dưới 4%.
Áp lực đến Fed và nền kinh tế
Chi phí lãi vay ngày càng tăng khiến thâm hụt ngân sách của Washington ngày càng lớn hơn. Trong năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã điều hành đất nước với mức thâm hụt ngân sách hơn 7% - tỷ lệ thường chỉ thấy trong thời kỳ suy thoái hoặc chiến tranh. Con số này giải thích tại sao nhiều khả năng lãi suất sẽ được giữ ở mức cao.
Nợ vay của chính phủ kích thích nền kinh tế, làm tăng rủi ro lạm phát, dẫn đến việc Fed kéo lãi suất lên mức cao hơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thâm hụt ngân sách đang kéo lãi suất của Mỹ lên cao hơn 3 điểm % so với mức cần thiết.
Bất luận ước tính trên đúng hay sai, thâm hụt lớn vẫn là một trong những lý do nền kinh tế Mỹ bền bỉ bất ngờ trước chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Nó cũng giải thích vì sao lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh hơn so với khu vực đồng euro, nơi có thâm hụt thấp hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức chỉ là 2,9%.
Trong bối cảnh chính phủ tiếp tục vay nợ, lãi suất chính sách của Mỹ sẽ khó có thể giảm mạnh. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu.
Song, trên thực tế, phần lớn áp lực dài hạn lên ngân sách của Mỹ đến từ sự gia tăng của chi tiêu bắt buộc - điều mà không ai dám đả kích. Ví dụ, trong vòng 10 năm tới, chi phí cho Medicare, chương trình y tế cho những người trên 65 tuổi, sẽ tăng 30% trong tương quan với GDP.
Gói cắt giảm thuế mà chính quyền cựu Tổng thống Trump ban hành năm 2017 sẽ hết hạn vào năm 2025. Thử thách tài khóa lớn tiếp theo của ông Biden là liệu chính phủ có nên gia hạn chính sách này hay không.
Đảng Cộng hòa sẽ thích phương án gia hạn và Đảng Dân chủ cũng sẽ thấy khó mà có thể chèo lái nền kinh tế khi thuế tăng lên rõ rệt. Và nếu ông Trump tái đắc cử, có thể ông sẽ tìm cách cắt giảm thuế hơn nữa.
Hiện tại, việc lợi suất trái phiếu kho bạc gia tăng mới chỉ phản ánh dự đoán về lãi suất cao, không phải nguy cơ lạm phát kéo dài hay chính phủ vỡ nợ.
Nhưng nếu các chính trị gia tiếp tục ngó lơ thâm hụt ngân sách trong khi chi phí đi vay tăng lên, họ sẽ đối mặt với hai lựa chọn khó khăn. Một là chính phủ sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong thời gian dài; hai là Fed phải thiết lập chính sách tiền tệ phù hợp với ngân sách - khiến lạm phát lên cao hơn nữa và mạo hiểm sự ổn định của nền kinh tế.