|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàng loạt yếu tố bất lợi làm người tiêu dùng Mỹ mất niềm tin vào nền kinh tế

15:53 | 27/09/2023
Chia sẻ
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong bốn tháng do lo lắng dai dẳng về giá cả tăng cao và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, mặc dù các hộ gia đình nhìn chung vẫn lạc quan về thị trường lao động.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong bốn tháng do lo lắng dai dẳng về giá cả tăng cao và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, mặc dù các hộ gia đình nhìn chung vẫn lạc quan về thị trường lao động.

Báo cáo của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Conference Board công bố ngày 26/9 cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 108,7 hồi tháng Tám xuống 103 trong tháng Chín. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng Năm tới nay.  

Theo báo cáo, nhận định của người tiêu dùng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm tới đã tăng trở lại. Sự suy giảm tâm lý lạc quan đó đã dẫn đến sự sụt giảm niềm tin.

Bên cạnh đó, hàng triệu người Mỹ cũng sẽ bắt đầu phải trả các khoản vay sinh viên của họ vào tháng 10 trong khi hầu hết số tiền tiết kiệm được sau đại dịch của họ đã cạn kiệt.

Các nhà kinh tế cho rằng còn một yếu tố khác tác động tới niềm tin người tiêu dùng là việc Chính phủ Mỹ sắp phải đóng cửa. Quốc hội Mỹ cho đến nay chưa thông qua bất kỳ dự luật chi tiêu nào để tài trợ cho các chương trình của cơ quan liên bang trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tài chính gia đình của họ. Song cho dù vẫn lo lắng về chi phí sinh hoạt cao hơn, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong năm tới vẫn ổn định. Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng của họ không thay đổi ở mức 5,7% trong tháng thứ ba liên tiếp.

Người tiêu dùng Mỹ cũng không có ý định giảm mạnh chi tiêu cho việc mua sắm xe cộ và các mặt hàng có giá trị lớn khác, như tivi và tủ lạnh trong sáu tháng tới.

Chi tiêu tiêu dùng vẫn được củng cố bởi thị trường lao động thắt chặt, điều cũng đang hỗ trợ tăng trưởng tiền lương cao hơn.

Tuy nhiên, số người dự kiến mua nhà sẽ ít hơn, với lãi suất thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm trung bình ở mức cao nhất trong hơn 22 năm còn giá nhà đang tăng tốc trở lại.

Một báo cáo riêng biệt từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán nhà mới trong tháng Tám đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu đã điều chỉnh theo mùa) xuống 675.000 căn, sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 17 tháng vào tháng Bảy.

Mặc dù doanh số bán nhà mới vẫn cao nhờ tình trạng thiếu hụt nhà có sẵn trên thị trường, nhưng việc lãi suất thế chấp tăng trở lại đang làm giảm khả năng chi trả của những người mua nhà tiềm năng.

Theo dữ liệu từ công ty tài chính chuyên về thế chấp Freddie Mac, tỷ lệ lãi suất thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm đã tăng trên 7% trong tháng Tám. Vào tuần trước, tỷ lệ này đã tăng lên mức trung bình 7,19% - cao nhất kể từ tháng 7/2001 tới nay.

Một báo cáo thứ ba từ Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang cho thấy tốc độ tăng giá nhà tại nước này trong tháng Bảy đã nhanh hơn tháng trước đó, phần lớn phản ánh việc nguồn cung nhà đã qua sở hữu khan hiếm trên thị trường.  

Cụ thể, giá nhà tại Mỹ trong tháng Bảy đã tăng trung bình 4,6% so với cùng kỳ năm trước sau khi đã tăng 3,2% trong tháng Sáu. Trên cơ sở hàng tháng, giá cũng tăng 0,8% và vượt mức tăng 0,4% của tháng Sáu.

Theo giới quan sát, sự phục hồi của giá nhà có thể là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao hơn. Diễn biến này nhiều khả năng giúp Cục Dự trữ liên bang (Fed tức ngân hàng trung ương) duy trì quan điểm “diều hâu” trong một thời gian tới.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 19-20/9, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,50%, trong khi các dự báo cập nhật cho thấy 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc.

Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động.

H. Thủy