|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ thẻ tín dụng của Mỹ vượt mốc 1.000 tỷ USD nhưng không quá đáng lo?

08:22 | 28/09/2023
Chia sẻ
Chia sẻ với Markets Insider, các chuyên gia cho biết nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đang cao kỷ lục nhưng tình hình tài chính của người tiêu dùng không tệ như nhiều người tưởng tượng.

Dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD vào tháng 8. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Đầu tháng 8, dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD. Sự kiện này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng thói quen chi tiêu của người Mỹ đang dần trở nên không bền vững, đặc biệt là khi tiền tiết kiệm thời đại dịch sụt giảm và triển vọng kinh tế khó đoán.

Các nhà kinh tế cho rằng con số 1.000 tỷ USD là rất nhiều, nhưng cần phải xem xét thêm các yếu tố khác như thu nhập và tài sản của người dân. Trong bối cảnh này, dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ thực chất không quá đáng ngại.

Trao đổi với Markets Insider mới đây, ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho hay: “Nhìn chung, tôi nghĩ tình hình tài chính của người tiêu dùng vẫn ổn định và họ không vay nợ quá mức”.

“Đối với các hộ gia đình thu nhập thấp thì nhận định đó không thực sự đúng. Họ đang phải gồng gánh và gặp nhiều khó khăn hơn. Song nhìn chung, người tiêu dùng đang khá ổn định”, nhà kinh tế nói tiếp.

Đây có thể là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ, vì Phố Wall từng cảnh báo rằng khi người tiêu dùng suy yếu, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ bị tổn hại.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh San Francisco ước tính, người Mỹ sẽ cạn tiền tiết kiệm dư thừa mà họ tích luỹ trong đại dịch vào cuối quý này - một sự kiện mà một vài nhà phân tích cho là có thể làm tăng nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, có 5 dấu hiệu cho thấy họ đã lo ngại một cách không cần thiết và người tiêu dùng lẫn nền kinh tế đều đang ổn, theo Markets Insider.

1. Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định

Đằng sau cột mốc 1.000 tỷ USD nói trên, các số liệu danh nghĩa đang gây nhầm lẫn, đặc biệt là khi điều chỉnh theo lạm phát.

Ông Zandi cho biết tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng thực đã ổn định ở mức 2% trong vài năm qua. Đó là một tốc độ lành mạnh - đủ mạnh để duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng không quá mạnh để khiến nền kinh tế nóng lên và áp lực lạm phát phình to hơn.

“Tôi tin rằng chi tiêu của người tiêu dùng đang ở mức mà nền kinh tế cần. Thật đáng kinh ngạc khi người Mỹ có thể điều chỉnh chi tiêu của mình, không quá nhiều, không quá ít, mà rất vừa phải”, vị chuyên gia nhận xét.

2. Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp

Kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cho biết tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng tại Mỹ hiện không quá cao.

Theo bà Michele Raneri, Phó Giám đốc cấp cao tại tổ chức nghiên cứu tín dụng tiêu dùng TransUnion, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng vẫn ở mức khoảng 22%. Đây là một tỷ lệ khá bền vững, người Mỹ vẫn có thể xoay xở nếu sự cố bất ngờ xảy ra.

“Thậm chí gần đây hơn, người Mỹ đã bắt đầu giảm sử dụng thẻ tín dụng vì họ không cần nhiều tiền mặt như một năm trước, bởi lạm phát đã hạ nhiệt và tăng trưởng tiền lương đang mạnh hơn lạm phát”, ông Zandi lưu ý.

Cũng theo ông Zandi, thu nhập thực tế của người Mỹ đang tăng lên. Điều này có thể giúp người tiêu dùng gia tăng tài sản và giảm tốc độ sử dụng thẻ tín dụng. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết tăng trưởng tiền lương theo giờ thực tế đã tăng 0,5% so với cùng kỳ vào tháng 8.

 

3. Gen Z đóng vai trò quan trọng

Bà Raneri cho biết, Gen Z là một nhân tố lớn khiến nợ thẻ tín dụng gia tăng và xu hướng này là bình thường vì nhiều bạn trẻ Gen Z đang lần đầu tiên được tiếp cận thẻ tín dụng.

Gen Z cũng không phải những người có thu nhập cao, vì vậy dễ hiểu khi họ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn để trang trải cuộc sống và bắt kịp đà tăng của lạm phát, vị phó giám đốc lưu ý.

Theo báo cáo vào quý II của TransUnion, tổng dư nợ thẻ tín dụng của Gen Z đã tăng 52% lên 55 tỷ USD trong năm qua. Trong khi đó, dư nợ thẻ tín dụng tính chung tại Mỹ chỉ tăng 17% lên 963 tỷ USD.

4. Người Mỹ có bộ đệm tài chính

Theo bà Raneri, dù một số người tiêu dùng có thu nhập thấp có nguy cơ vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán nợ thẻ tín dụng, người Mỹ nói chung vẫn có rất nhiều bộ đệm, chủ yếu dưới dạng giá trị nhà ở.

Nền tảng LendingTree lưu ý vào mùa hè này rằng vốn chủ sở hữu nhà (home equity) của người Mỹ hiện đạt 28.700 tỷ USD. Nhiều người có thể dễ dàng dùng số tiền này để xoay xở khi cần.

Ngân hàng Wells Fargo từng cho biết rằng việc giá nhà tăng mạnh trong những năm gần đây có thể giúp người tiêu dùng Mỹ trụ vững khi suy thoái kinh tế xảy ra.

5. Tỷ lệ nợ quá hạn đang chậm lại

Theo dữ liệu của Fed, tỷ lệ nợ quá hạn thẻ tín dụng tăng chỉ 2,7% trong quý vừa qua. Con số này chỉ cao hơn một chút so với quý II/2019 (trước khi đại dịch xuất hiện), mặt khác vẫn thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (6,7%).

Ông Zandi cho biết các ngân hàng cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn tài chính, giúp tỷ lệ nợ quá hạn giảm trong tương lai.

Vị chuyên gia ước tính tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay phát hành vào năm 2023 sẽ thấp hơn tỷ lệ nợ quá hơn đối với các khoản vay phát hành trong năm 2021 và 2022.

Trên thực tế, ông Mark Zandi không coi chi tiêu tiêu dùng bùng nổ là một vấn đề, trừ khi Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế, qua đó kích hoạt tình trạng thất nghiệp và kéo tỷ lệ nợ quá hạn đi lên.

Song, suy thoái không phải kịch bản cơ bản của ông Zandi. “Tôi nghĩ nền kinh tế đủ kiên cường và chúng ta sẽ không hứng chịu suy thoái trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, một phần vì tài chính của người tiêu dùng đang ổn định”. 

Khả Nhân