|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Từ năm 2025, rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng chỉ được tối đa 100 triệu/tháng

15:34 | 08/07/2024
Chia sẻ
Thông tư 18 vừa được ban hành quy định hạn mức rút tiền mặt của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng mỗi tháng. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Một số quy định liên quan đến giao dịch thẻ được hướng dẫn như quy định về định danh khách hàng trong đó quy định cụ thể về các giấy tờ tùy thân của khách hàng phải cung cấp; quy định về việc định danh xác thực khách hàng khi phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử; quy định về hạn mức giao dịch đối với thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng; quy định về tổng hạn mức rút tiền mặt,...

Chỉ được rút tiền mặt tối đa 100 triệu/tháng

Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư 18, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan.

Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.

Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN (mã tổ chức phát hành thẻ) của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu VND/tháng. Quy định này sẽ được áp dụng từ 1/1/2025.

Đối với thẻ trả trước, các tổ chức phát hành quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch; đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh không được quá 5 triệu VND; tổng hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch rút tiền mặt, giao dịch chuyển khoản, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 triệu VND/tháng.

Hiện nay, hạn mức rút tiền mặt từ thẻ tín dụng được thực hiện theo quy định của từng ngân hàng. Nhiều ngân hàng quy định số tiền tối đa có thể rút rơi vào khoảng 30% đến 70% (một số thẻ là 90 - 100%) của hạn mức mà thẻ tín dụng được cấp. Ngoài ra, một số loại thẻ tín dụng còn quy định hạn mức rút tiền mặt trong ngày không quá 50 - 200 triệu, 20 triệu/lần rút.

Xử lý trong trường hợp mất thẻ, lộ thông tin thẻ

Theo quy định trong Thông tư 18, khi mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ, chủ thẻ phải thông báo ngay cho TCPHT. Khi nhận được thông báo của chủ thẻ, TCPHT phải thực hiện ngay việc khóa thẻ và phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời thông báo lại cho chủ thẻ. 

Sau khi thực hiện khóa thẻ, TCPHT hoàn thành việc xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ không quá 05 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc 10 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ.

Trong trường hợp thẻ bị lợi dụng, gây ra thiệt hại, TCPHT và chủ thẻ phân định trách nhiệm và thương lượng cách xử lý hậu quả. Trường hợp hai bên không thống nhất thì việc xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật.

NHNN cho biết Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 1/7, tuy nhiên hiệu lực thi hành của một số nội dung và cho một số tổ chức tín dụng có thể chậm hơn. 

Đối với mẫu thẻ vật lý đã in trước ngày 1/7/2024, tổ chức phát hành thẻ được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Đối với khách hàng có thẻ được phát hành trước ngày 1/10/2024, tổ chức phát hành thẻ phối hợp với khách hàng thực hiện cập nhật, bổ sung tài liệu, thông tin, dữ liệu của khách hàng đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 9, Điều 12 Thông tư 18, hoàn thành trước ngày 1/1/2026. 

Minh Quang