|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tính lãi thẻ tín dụng như thế nào để dư nợ gốc 8,5 triệu thành nợ xấu gần 9 tỷ đồng?

12:23 | 15/03/2024
Chia sẻ
Do lãi được cộng vào gốc trong thời điểm sao kê hàng tháng, khoản nợ thẻ tín dụng có thể rất nhanh chóng tăng gấp nhiều lần nếu chủ sở hữu không chú ý.

Làm thế nào mà 8,5 triệu đồng thành 9 tỷ đồng?

Mới đây, thông tin nhắc nợ thẻ tín dụng với dư nợ gốc hơn 8,5 triệu đồng trong khi nợ lãi quá hạn lên tới hơn 8 tỷ đồng đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và nhiều kênh truyền thông.

Đây là công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC). Theo nội dung công văn, Eximbank AMC thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ trị giá trên 8,83 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 8,55 triệu đồng.

Thông báo của Eximbank AMC. (Ảnh: NVCC).

Con số nợ gốc và lãi quá hạn phải trả cao ngất ngưởng đã khiến nhiều người bất ngờ khi một khoản nợ chưa đến 10 triệu đồng lại có thể tăng lên thành gần 9 tỷ đồng (gấp hơn 1.000 lần) trong vòng chưa đầy 11 năm. 

Theo thông tin từ phía Eximbank, khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Mastercard tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng, phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. 

Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.

Eximbank cho biết đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.  Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng. 

 "Về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank)", công văn của ngân hàng nêu rõ.
 
Theo ước tính của người viết, với giả định rằng thời điểm bắt đầu tính lãi là kể từ khi khoản nợ chuyển thành nợ xấu, thì khách hàng P.H.A đã phát sinh lãi tại Eximbank trong 123,3 tháng tính đến thời điểm 31/10/2023 (làm tròn xuống 123 tháng). Giả định này có thể khiến số kỳ tính lãi sai khác khoảng vài tháng so với thực tế, khiến kết quả cuối cùng chênh lệch khoảng vài điểm %/năm. 

Nếu lãi được nhập nợ gốc mỗi tháng, có thể ước tính rằng mức lãi suất bình quân mà ông P.H.A phải trả là 5,8%/tháng hay 69,7%/năm. Cần lưu ý rằng con số này bao gồm cả lãi suất của thẻ, lãi phạt và các loại phí phát sinh… Lãi suất thực tế và phí mà khách hàng phải trả có thể khác nhau theo từng thời điểm.

Bảng dưới đây cho thấy tốc độ tăng của lãi và gốc nhanh đến mức nào

Số liệu chỉ mang tính chất minh hoạ theo ước tính từ các công bố từ ngân hàng.

Trong tháng đầu tiên, lãi cho khoản vay 8,55 triệu đồng là gần 500.000 đồng. Sau khi được cộng vào gốc, số tiền để tính lãi cho tháng sau đã tăng lên hơn 9 triệu đồng. Chỉ cần sau 6 tháng, số tiền để tính lãi từ 8,55 triệu đồng đã vọt lên 12 triệu. 

Sang tháng thứ 60 (tức 5 năm sau), khoản tiền phải trả lãi mỗi tháng đã là gần 14 triệu đông, trong khi dư nợ gốc cộng lãi đã vọt lên hơn 250 triệu đồng, tức gấp gần 30 lần ban đầu. Bước sang tháng 123 (thời điểm Eximbank AMC ghi nhận khoản nợ lên gần 9 tỷ đồng) thì mỗi tháng, lãi phải trả của khách hàng đã lên gần 500 triệu đồng. 

Trên website của Eximbank hiện nay, phí tài chính cho thẻ tín dụng Visa, MasterCard và JCB đều chung một mức là 33%/năm. Ngoài ra, phí trễ hạn là 5% số tiền thanh toán tối thiểu (tối thiểu là 100.000 VND), phí sử dụng vượt hạn mức là 15%/năm/số tiền vượt hạn mứcchưa kể trường hợp bị phạt do nợ quá hạn.

Một số phí của thẻ Mastercard của Eximbank. (Ảnh: Eximbank).

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Minh Quang