Giá dầu leo thang có làm chệch hướng nỗ lực của Fed?
Tờ Wall Street Journal (WSJ) số ra mới đây đăng bài phân tích về tác động của giá dầu tăng đối với kinh tế Mỹ, cho rằng một chuỗi những cú sốc lạm phát đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gặp thách thức lớn trong kiểm soát giá cả tăng cao. The (WSJ), giới đầu tư lo ngại cú sốc mới nhất có thể đến từ việc giá dầu tăng lên mốc 100 USD/thùng.
Giá dầu thô hiện tiệm cận ngưỡng khiến việc di chuyển, đi lại của người Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Các tài xế xe tải vận chuyển hàng trên cả nước đang buộc các chủ cửa hàng tạp phẩm phải trả thêm tiền để bù đắp chi phí mua dầu diesel. Các hãng hàng không đưa mức giá vé cao hơn. Còn những nhà sản xuất - từ chế tạo đồ chơi cho tới nhựa đường - có thể sẽ phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng.
Giá dầu tăng gây ra mối lo sợ hiển hiện về nguy cơ năng lượng – một mặt hàng về cơ bản được loại ra khỏi lượng định chính sách của Fed - có thể sẽ kéo lùi nỗ lực của cơ quan này nhằm đảm bảo một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ vốn khát năng lượng. Một bộ phận giới đầu tư, chuyên gia kinh tế đã so sánh thời điểm hiện tại với các giai đoạn trước đây từng ghi nhận sự bùng nổ giá dầu, với việc giá nhiên liệu tăng là một phần tác nhân đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Giá xăng thường tại Mỹ đã đạt mức trung bình 3,88 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) vào tuần trước, tăng 25% so với hồi đầu năm nay. Chính mức tăng giá của mặt hàng này đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tám tăng ở mức mạnh nhất trong hơn một năm trở lại đây. Giới chuyên gia kinh tế e ngại chi phí nhiên liệu tăng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu đối với ăn uống tại nhà hàng, đi lại và những hoạt động khác, khiến tăng trưởng suy yếu, tạo ra hình thái thường được biết đến với khái niệm “đình lạm” (stagflation).
Ngoài ra, giá năng lượng leo thang cũng có thể khiến thị trường lao động “căng cứng hơn, khi những người tìm kiếm việc làm thu nhập thấp hoặc cùng lúc làm nhiều việc phải suy tính lại bài toán chi phí khi di chuyển đi làm. Nhưng cấp độ ảnh hưởng đến mức nào là điều còn chưa rõ ràng và điều này tạo ra bất an với giới đầu tư – những người đang cố gắng lượng định tác động của các đợt tăng lãi suất trong tương lai đối với hoạt động đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hay hàng hóa.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ hiện ít tổn thương hơn trước các cú sốc liên quan đến giá dầu so với nhiều thập kỷ trước đây, nhờ vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp giảm thị phần chi phí nhiên liệu trong tổng mức chi tiêu. Giá xăng hiện tại cũng rẻ hơn so với các thời khắc khủng hoảng trước đây nếu tính theo điều chỉnh lạm phát. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng đạt đỉnh ở mức 5,71 USD/gallon vào tháng 6/2008. Sau khi điều chỉnh lạm phát, giá xăng hiện tại vẫn thấp hơn so với thời điểm Mỹ chịu cú sốc về lạm phát trong năm 1979 và 1981.
Tại Mỹ, giới kinh tế thường loại bỏ những mặt hàng dễ biến động về giá như xăng dầu trong những công thức đo lường lạm phát yêu thích - vốn dựa nhiều vào giá dịch vụ và thị trường lao động. Giá dầu có thể tăng do xuất hiện nguồn cầu mới, như bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong những năm 2000, hoặc vì những cú sốc về nguồn cung, như vụ các nước Arab ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ nhằm vào các nước ủng hộ Israel (năm 1973) hay cuộc cách mạng Hồi giáo Iran (1979), từ đó làm mờ đi những tín hiệu đối với kinh tế Mỹ.
Thế nhưng, “cú bốc đầu” của giá dầu trong mùa hè năm nay đã khiến ngân hàng trung ương nhiều nước quan ngại, tại thời điểm họ dõi theo lạm phát lõi có xu hướng dịu lại và chuẩn bị ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã lên tiếng thừa nhận rằng giá năng lượng tăng là động thái cần lưu ý, bởi nó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng.
Triển vọng giá dầu về cơ bản vượt khỏi phạm vi kiểm soát trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Đầu tháng này, Saudi Arabia và Nga đã đẩy dầu thô tăng giá mạnh khi kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác đến hết năm 2023, gần như đồng nghĩa với việc cầu vượt cung ở mức kỷ lục. Giá dầu Brent Biển Bắc chốt phiên giao dịch 22/9 đạt mức 93,27 USD/thùng.
Tại phố Wall, ngay cả những nhà phân tích theo trường phái giá xuống giờ đây cũng dự báo giá dầu có thể chạm hoặc vượt qua mốc 100 USD/thùng vào cuối năm. Nhưng ít người kỳ vọng giá vượt trên mức này quá xa, khi sản lượng khai thác dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục. Theo ông Nikolai Roussanov, Giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Wharton thuộc Đại học Pennsnyvania, cách mạng dầu đá phiến thành công ở Mỹ sẽ là lực cản với giá dầu. Giá mặt hàng này cũng có thể giảm nếu Saudi Arabia và Nga tăng sản lượng, hoặc nếu xảy ra một đợt suy thoái kinh tế làm giảm sút nhu cầu tiêu thụ.
Tính đến thời điểm này, chi tiêu dùng - một động lực then chốt của kinh tế Mỹ - vẫn giữ được đà ổn định bất chấp chi phí lãi vay tăng cao, cùng với đó là đà tăng của giá nhiêu liệu. Doanh số bán lẻ không tính xăng dầu tăng 0,2% trong tháng Tám so với tháng Bảy. Một số nhà kinh tế cảnh báo giá xăng dầu cao sẽ tạo ra áp lực đối với kinh tế Mỹ, bên cạnh việc nối lại chi trả các khoản nợ sinh viên trong khi các khoản tiết kiệm, tích lũy hậu đại dịch COVID-19 bị bào mòn. Một khi người lao động Mỹ giảm thời gian làm việc hoặc đòi tiền lương, thu nhập cao hơn để bù đắp khoản chi phí đội thêm từ chi phí xăng xe, thị trường lao động có thể vẫn ở trạng thái căng thẳng kéo dài.
Một bộ phận giới đầu tư kỳ vọng nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, Fed có thể sẽ hạ lãi suất trong năm tới để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng những đợt dầu tăng giá mạnh trong quá khứ cho thấy giá năng lượng cao là một tác nhân khiến kinh tế Mỹ khó đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”. Điều này đã từng xảy ra sau khi Fed khởi động giảm lãi suất vào năm 1990, khi Iraq thực hiện hoạt động quân sự ở Kuwait, hay như thời điểm năm 2008 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.