Goldman Sachs: 90% khả năng chính phủ Mỹ phải đóng cửa, thời gian kéo dài đến ba tuần
Đồng hồ đang điểm
Các nhà lập pháp Mỹ chỉ còn 4 ngày để phê chuẩn dự luật ngân sách hàng năm nhằm ngăn chính phủ đóng cửa. Song, ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, dự đoán gần như chắc chắn Quốc hội sẽ không thể đạt được thỏa thuận.
Trong lưu ý ngày 27/9, ông viết: “Chúng tôi cho rằng nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã tăng lên 90%. Tuy vẫn còn khả năng Quốc hội sẽ đạt được thỏa thuận vào phút chót..., các nhà lập pháp chỉ mới đạt được vài tiến triển và họ còn rất ít thời gian”.
Ông Hatzius cho biết chính phủ có thể đóng cửa trong hai đến ba tuần, bắt đầu từ ngày 1/10. Theo vị chuyên gia, các nhà lập pháp sẽ chỉ chấp nhận thỏa hiệp khi phải đối mặt với áp lực chính trị do trễ hạn thanh toán tiền lương thưởng cho quân nhân tại ngũ vào ngày 13/10 và 1/11, cũng như do các “hoạt động thiết yếu” như an ninh sân bay và tuần tra biên giới bị gián đoạn.
Ông cảnh báo: “Nếu chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10, lập trường chính trị của các nhà lập pháp sẽ càng trở nên cứng rắn hơn và vì vậy có rất ít khả năng chính phủ sẽ nhanh chóng hoạt động trở lại”.
Đội ngũ chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura cũng có chung quan điểm với ông Hatzius. Trong báo cáo ngày 27/9, họ dự đoán chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa trong một đến hai tuần, nhưng “cũng có khả năng giai đoạn đóng cửa sẽ kéo dài lâu hơn”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng thế nào nếu chính phủ Mỹ đóng cửa? 26/09/2023 - 10:30
Họ giải thích: “Việc chính phủ đóng cửa thường không được cử tri ủng hộ và kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, thế đa số mỏng manh của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện khiến các bên khó xuống nước thoả hiệp với nhau hơn".
Chính phủ Mỹ thường đóng cửa một phần khi dự luật ngân sách hàng năm không được Quốc hội thông qua. Ngân sách của Mỹ bao gồm 12 dự luật riêng biệt và năm nay, các nhà lập pháp chưa phê chuẩn bất kỳ dự luật nào.
Sự kiện này có thể ảnh hưởng đến 4 triệu nhân viên chính quyền liên bang, bao gồm quân nhân đang tại ngũ, đồng thời buộc Washington phải cắt giảm một loạt dịch vụ, từ việc xử lý yêu cầu cấp hộ chiếu cho đến kiểm tra an toàn thực phẩm.
Hậu quả khó lường
Kể từ năm 1980, chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần 14 lần, nhưng chỉ có ba lần giai đoạn này kéo dài hơn một tuần - vào năm 1995, 2013 và 2018 - 2019.
Lần này, nguy cơ giai đoạn đóng cửa kéo dài có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải chịu nhiều thiệt hại hơn so với trong quá khứ. Theo ước tính của Goldman Sachs, mỗi tuần chính phủ đóng cửa sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,2 điểm %.
Ngoài tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ông Hatzius cảnh báo rằng chính phủ đóng cửa có thể việc công bố các dữ liệu quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sử dụng để xác định chính sách tiền tệ bị trì hoãn.
Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh Fed sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” khi xác định hướng đi của lãi suất, nhưng việc ra quyết định sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu Fed không có dữ liệu chuẩn.
Và Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua các dự luật phân bổ tiền tài trợ cho Bộ Lao động, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp hoặc Bộ Năng lượng. Điều này có nghĩa là các báo cáo từ tất cả các cơ quan đó có thể bị hoãn lại khi chính phủ đóng cửa.
Tệ hơn nữa, ông Hatzius cảnh báo rằng lần này, “chính phủ có thể phải đóng cửa nhiều hơn một lần” do tình trạng căng thẳng chính trị ở Washington.
Ông giải thích: “Đề xuất chi tiêu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có sự khác biệt rất lớn. Nhiều khả năng thỏa thuận ngân sách của hai bên sẽ chỉ có thời hạn đến cuối năm 2023, và nguy cơ chính phủ đóng cửa sẽ lại tái diễn vào đầu năm mới”.