Nguy cơ chính phủ đóng cửa và hai rủi ro khác có thể dội gáo nước lạnh vào nỗ lực 'hạ cánh mềm' của Fed
Rắc rối đồng loạt
Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) đã phát động cuộc đình công tại ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu đất nước. Khoảng 13.000 công nhân đang tiến hành đình công tại ba nhà máy lớn của các công ty nói trên, nhưng con số có thể tăng lên trong thời gian tới.
Các quan chức Mỹ có thời hạn từ nay cho đến ngày 30/9 để đạt được thỏa thuận ngân sách mới, hoặc các cơ quan chính quyền liên bang sẽ phải đóng cửa. Việc trả nợ vay sinh viên sẽ được khởi động lại vào tháng 10 sau ba năm tạm hoãn trong đại dịch COVID-19.
Khi đứng riêng lẻ, mỗi sự kiện trên khó có thể thay đổi quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về rủi ro ngắn hạn hoặc làm lung lay sự tập trung của họ đối với mục tiêu đánh bại lạm phát.
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến sẽ giảm tốc trong các tháng cuối cùng của năm 2023, sự gián đoạn kéo dài trong ngành ô tô và các cơ quan chính phủ có thể gây ra hậu quả khó lường: làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, kéo giá ô tô lên cao, tạo ra cú sốc đối với niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng và đẩy nền kinh tế về phía suy thoái thay vì “hạ cánh mềm”.
Tăng trưởng giảm tốc
Hàng triệu người tiêu dùng Mỹ sẽ phải nối lại việc thanh toán nợ vay sinh viên vào tháng 10 và sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu cho những khoản khác.
Trong bối cảnh này, Goldman Sachs đã cảnh báo rằng cú giảm tốc trong quý IV có thể đánh bật hơn 1 điểm % khỏi tăng trưởng GDP. Trong khi đó, theo ước tính của Fed hồi cuối tháng 6 và nhiều nhà dự báo tư nhân khác, tăng trưởng GDP quý IV có thể sẽ còn chưa đến 1%.
Ông Vincent Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Dreyfus & Mellon, cảnh báo trong bối cảnh tác động từ các đợt tăng lãi suất của Fed vẫn đang lan tỏa ra nền kinh tế, giới ngân hàng thắt chặt tín dụng và người tiêu dùng đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm trong đại dịch, nền kinh tế có thể dễ dàng bị trật bánh bởi những sự cố nhỏ.
Theo tờ Reuters, Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25%-5,5% tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19-20/9. Do đó, các rủi ro mới nổi lên này nhiều nhất cũng chỉ có thể làm thay đổi không khí và ngôn ngữ xung quanh cuộc họp.
Hơn nữa trong những tháng gần đây, dữ liệu kinh tế đang thiên về hướng có lợi cho Fed. Lạm phát hạ nhiệt dù nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn xu hướng thông thường và tạo ra thêm lượng việc làm đáng kể mỗi tháng.
Nhưng nguy cơ đóng cửa của chính phủ và các nhà sản xuất ô tô sẽ khiến tăng trưởng và lòng tin bị xói mòn mỗi ngày. Trong trường hợp tệ nhất, 146.000 lao động trong ngành ô tô sẽ đồng loạt đình công và khoảng 800.000 nhân viên liên bang không được trả lương.
Ông Michael Pearce, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, cho biết: “Tình huống đặc biệt của chúng ta ở thời điểm hiện tại khiến cho cuộc đình công có nguy cơ gây tác hại lớn”. Rắc rối trong chuỗi cung ứng ô tô vẫn chưa được tháo gỡ hết và quá trình thương lượng dự kiến sẽ rất căng thẳng khi người lao động cố gắng lấy lại vị thế đã mất do lạm phát, còn các công ty lại ghi nhận lợi nhuận kỷ lục.
Một cuộc đình công trên diện rộng có thể khiến sản lượng ô tô giảm 1/3. Và khi tính đến các tác động phụ trong toàn bộ nền kinh tế, cuộc đình công sẽ đánh bật 0,7 điểm % khỏi tốc độ tăng trưởng trong thời gian nó diễn ra. Đây là con số không hề nhỏ đối với một nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng ước tính ở mức khoảng 1,8% một năm như Mỹ.
Trong một số trường hợp, bất đồng về ngân sách chỉ khiến chính phủ Mỹ bị đóng cửa trong thời gian ngắn. Nhưng vụ đóng cửa hồi cuối năm 2018 kéo dài tới tận 5 tuần, mỗi tuần lấy mất 0,2 điểm % khỏi tăng trưởng GDP.
Thêm nữa, việc nối lại của các khoản thanh toán nợ vay sinh viên của hàng chục triệu người có lẽ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến chi tiêu tiêu dùng - động cơ tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ.
Đầu tuần này, hai nhà kinh tế của Pantheon Macroeconomics cho biết sự gia tăng các khoản thanh toán tới Bộ Giáo dục Mỹ sẽ diễn ra đồng thời với sự sụt giảm các lượt tìm kiếm online cho những từ khóa như “vé máy bay”, “đặt lịch hẹn nhà hàng” và “ô tô mới”. Số lượng hành khách đi máy bay hàng ngày đang suy giảm và các dữ liệu khác "không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong thời gian ngắn”.
Ông Reinhart củaDreyfus & Mellon cảnh báo nếu nền kinh tế Mỹ gặp chuyện chẳng lành, Fed cũng sẽ chờ đến khi cuộc chiến lạm phát kết thúc mới ra tay giải cứu. Trong khoảng thời gian đó, Fed vẫn sẽ duy trì áp lực lên các doanh nghiệp và hộ gia đình với lãi suất cao.