Nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ gần như khó tránh
Một ngày trước hạn chót là ngày 30/9 cho việc cấp ngân sách cho chính phủ Liên bang, dự luật cấp ngân sách tạm thời, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu, theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã bị bác bỏ do sự phản đối của 21 nghị sỹ đảng Cộng hòa và toàn bộ nghị sỹ đảng Dân chủ. Tỷ lệ bỏ phiếu là 198 phiếu thuận/232 phiếu chống.
Nếu chính phủ đóng cửa vào ngày 1/10, khoảng 2 triệu quân nhân sẽ không được trả lương, các công viên quốc gia cũng như nhiều địa điểm khác phải đóng cửa,....
Dự luật theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện gia hạn ngân sách cho chính phủ đến ngày 31/10, với việc cắt giảm mạnh ngân sách (lên tới 30%) đối với gần như toàn bộ các cơ quan Liên bang.
Theo yêu cầu của những nghị sỹ có quan điểm cứng rắn, dự luật cần bổ sung thêm các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh biên giới.
Tài khóa của Mỹ bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay đến ngày 30/9 năm sau. Mỗi năm, dự luật cấp ngân sách cho chính phủ sẽ phải được cả hai viện tại Quốc hội thông qua và Tổng thống ký vào đầu tài khóa.
Việc chính phủ đóng cửa không phải là điều bất thường tại Mỹ. Lần đóng cửa gần đây nhất, lần thứ 21 trong 5 thập kỷ, kéo dài 35 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019. Đó là lần đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, do bất đồng về yêu cầu của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, về việc tài trợ cho bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư trái phép.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, Lael Brainard, cho rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với những yếu tố không chắc chắn. Những rủi ro đó là việc các chuyến bay bị trễ do nhân viên kiểm soát không lưu được yêu cầu làm việc không lương, trong khi các gia đình không thể tiếp cận với một số phúc lợi.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ bị chậm trễ.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, việc đóng cửa chính phủ sẽ khiến GDP giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi tuần đóng cửa, nhưng việc dừng các hoạt động thương mại chủ chốt sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại, cản trở các cuộc đàm phán đang diễn ra và khả năng thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.