|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách ngăn chính phủ đóng cửa

08:01 | 01/10/2023
Chia sẻ
Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chính phủ đóng cửa. Dự luật chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Joe Biden để chính thức trở thành luật.

 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu sau khi đông đảo hạ nghị sĩ thông qua dự luật ngân sách tạm thời. (Ảnh: Reuters).

Theo đưa tin từ CNBC, ngay trong đêm 30/9, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời mà Hạ viện gửi lên, với tỷ lệ 88 phiếu thuận - 9 phiếu chống. Giờ đây, dự luật chỉ cần thêm chữ ký của Tổng thống Joe Biden để chính thức trở thành luật.

Trước đó, vào tối cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với sự ủng hộ áp đảo của Đảng Dân chủ sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy từ chối yêu cầu bỏ phiếu riêng của những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng hoà.

Cụ thể, Hạ viện thông qua dự luật với tỷ lệ 335 phiếu thuận - 91 phiếu chống nhằm cấp ngân sách cho chính phủ thêm 45 ngày nữa. Khoảng 209 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật và đảng này mô tả cuộc bỏ phiếu là một chiến thắng.

Chia sẻ với các phóng viên trước giờ bỏ phiếu, Hạ nghị sĩ Hakeem Jefferies, nhấn mạnh: “Những đảng viên Cộng hoà cực đoan, ủng hộ chính sách MAGA (Make America Great Again) đang thất bại, người Mỹ đã thắng”.

Một hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ khác là ông Don Beyer bày tỏ: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Chủ tịch McCarthy gấp rút hành động và cuối cùng đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào phút chót...”

Chính phủ sẽ tạm ngừng hoạt động vào lúc 12h01 sáng ngày 1/10 (khoảng 11h01 theo giờ Việt Nam) nếu Tổng thống Joe Biden không ký ban hành luật một cách kịp thời.

Chuyển biến tại Quốc hội Mỹ là một thay đổi lớn so với hồi đầu tuần này, khi việc đóng cửa dường như là không thể tránh khỏi.

Nếu chính phủ thực sự phải tạm ngừng hoạt động, phần đông trong khoảng 4 triệu nhân viên chính phủ sẽ không được trả lương, bất luận họ có làm việc hay không. Ngoài ra, nhiều dịch vụ liên bang, từ Công viên Quốc gia đến cơ quan quản lý tài chính, đều sẽ phải đóng cửa. 

Thế bế tắc xảy ra chỉ vài tháng sau khi Quốc hội đưa chính phủ liên bang đến bờ vực vỡ nợ khối nợ 31.400 tỷ USD. Tình cảnh này đã làm dấy lên nhiều lo ngại trên Phố Wall. Moody’s Investors Service cảnh báo vụ việc có thể gây tổn hại đến uy tín tín dụng của Mỹ.

Quốc hội thường sẽ thông qua các dự luật chi tiêu tạm thời để có thêm thời gian đàm phán chi tiết ngân sách liên bang.

Năm nay, một nhóm đảng viên Cộng hoà đã cản đường Hạ viện khi họ yêu cầu thắt chặt các quy định nhập cư và cắt giảm chi tiêu dưới mức mà các nhà lập pháp đã nhất trí trong cuộc tranh chấp trần nợ vào mùa xuân.

Hồi đầu năm, để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ, ông McCarthy và Tổng thống Biden đã đặt ra giới hạn chi tiêu tuỳ ý cho năm tài khoá 2024 là 1.590 tỷ USD. Nhóm đảng viên Cộng hoà muốn giảm chi tiêu thêm 120 tỷ USD.

Khả Nhân