|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Mỹ vay nợ quá nhiều: Nguy cơ làm hại thị trường trái phiếu và sức mạnh tài khoá

11:30 | 20/11/2023
Chia sẻ
Nợ công của Mỹ đã chạm đến ngưỡng đáng báo động và trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nợ/GDP của siêu cường số một thế giới cũng tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước G7 khác. Italy và Nhật Bản là hai thành viên duy nhất có nợ công cao hơn GDP.

Trước khi chuyển sang sắc xanh trong tháng 11, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một tháng 10 rực đỏ khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,3%, S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 2,1% và 2,8%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nóng là áp lực chính đè nặng lên giá cổ phiếu. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm từng có lúc vọt lên 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Đằng sau đà tăng mạnh mẽ của lợi suất là chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ những năm 1980.

Tính từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản, qua đó đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%.

Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp nhiều lần tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài nhằm kéo lạm phát quay về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không chú ý là một yếu khác cũng đang thúc đẩy lợi suất đi lên. Đó chính là thói quen vay nợ không ngừng nghỉ của chính phủ Mỹ.

 

Mạnh tay vay nợ

Rắc rối bắt nguồn từ việc chính phủ liên bang chi tiêu quá nhiều so với số tiền kiếm được, dẫn đến thâm hụt ngân sách hàng năm. Khối nợ công của Mỹ chính là những khoản thâm hụt đó tích luỹ theo thời gian. Trong hơn 50 năm qua, chính phủ chỉ thặng dư ngân sách 5 lần, gần đây nhất là vào năm tài khoá 2001.

Thông thường, gần 2/3 chi tiêu liên bang hàng năm là các khoản bắt buộc dành cho chương trình An sinh Xã hội, Medicare, Medicaid, hỗ trợ thực phẩm, phúc lợi cựu chiến binh,...

Các nhà lập pháp có quyền kiểm soát các khoản chi tuỳ ý. Hơn một nửa hạng mục này dành cho quốc phòng, trong khi phần còn lại dùng cho các chương trình liên bang như giáo dục, giao thông, bảo vệ môi trường,...

Trong vài năm gần đây, các đợt cắt giảm thuế, hỗ trợ kinh tế khẩn cấp và đầu tư bổ sung càng khiến thâm hụt phình to hơn.

Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành năm 2017, gói viện trợ tổng trị giá 5.000 tỷ USD trong đại dịch COVID-19 và ba đạo luật đầu tư tổng quy mô 2.200 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ban hành năm 2021 và 2022 lần lượt là ví dụ cho ba nhóm chi tiêu nói trên.

Để bù đắp thâm hụt và có thêm tiền chi tiêu, chính phủ phải vay nợ. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, nợ công của Mỹ đã tăng chóng mặt từ 269 tỷ USD vào tháng 6/1946 lên con số kỷ lục 33.700 tỷ USD vào tháng 9/2023. Nói cách khác, nợ công của Mỹ hiện đã vượt xa tổng quy mô của các nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh.

Trong đó, 7.100 tỷ USD là nợ do các cơ quan chính phủ nắm giữ (gọi là intragovernmental debt) và 26.600 tỷ USD là nợ do công chúng bao gồm các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chính phủ nước ngoài nắm giữ (debt held by the public).

Không chỉ khối nợ tăng theo thời gian, mức thâm hụt ngân sách so với quy mô của nền kinh tế Mỹ - được đo bằng tỷ lệ nợ/GDP - cũng đi lên đều đặn kể từ năm 2000 và lần đầu tiên vượt mức 100% vào quý I/2014, theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách.

Mỹ còn là một trong 21 nền kinh tế có quy mô thâm hụt ngân sách vượt quá tổng GDP, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo đó, siêu cường số một thế giới đang ở cùng danh sách với cả Hy Lạp, Sri Lanka và Sudan.

Đồng thời, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ cũng tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước G7 khác. Italy và Nhật Bản là hai thành viên duy nhất có nợ công cao hơn GDP.

 

Giờ đây, trong bối xung đột địa chính trị bùng nổ ở cả Ukraine và Trung Đông, Washington có thể phải chi tiêu nhiều hơn để giúp đỡ các đồng minh và thực hiện các chương trình viện trợ nhân đạo, dẫn đến thâm hụt nhiều hơn.

Báo cáo mới do Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố vào tháng 5 cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng gần hai lần trong thập kỷ tới, từ 1.500 tỷ USD trong năm tài khoá 2023 lên 2.900 tỷ USD vào cuối năm tài khoá 2033.

Chính phủ không còn cách nào khác là phải vay thêm nợ, thông qua phát hành trái phiếu kho bạc. CBO dự đoán phần nợ do công chúng nắm giữ sẽ tăng thêm 22.100 tỷ USD trong thập kỷ tới lên 46.700 tỷ USD.

Trong một thông báo vào cuối tháng 10, Bộ Tài chính cho biết họ sẽ vay thêm 776 tỷ USD trong quý III/2023 (tức quý I của năm tài khoá 2024) và 816 tỷ USD trong quý I/2024.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Tài chính và Lĩnh vực Chứng khoán (SIFMA), tính đến hết tháng 10, tổng lượng trái phiếu kho bạc đang lưu hành trên thị trường là 26.000 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tình thế đáng lo

Động thái vay thêm nợ của chính phủ Mỹ diễn ra giữa thời điểm đáng ngại của thị trường trái phiếu kho bạc, khi những người mua lớn nhất dần rút lui.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy giá trị trái phiếu mà Nhật Bản, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ đã giảm 6% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, sau khi hơn hai thập kỷ tăng cường mua chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã lùi bước. Giá trị trái phiếu kho bạc mà Trung Quốc nắm giữ đã sụt 14% kể từ tháng 8.

Ngoài ra, Fed - từng là một trong những tổ chức mua mạnh nhất trên thị trường - cũng không gom thêm trái phiếu. Trái lại, trong một năm qua, Fed đã giảm lượng trái phiếu nắm giữ khoảng 650 tỷ USD. Đây là một phần trong chương trình thắt chặt định lượng để Fed hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.

Fed và các nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui khỏi thị trường trái phiếu kho bạc.

Giữa lúc Fed báo hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, sự thoái lui của các nhà đầu tư lớn sẽ càng khiến đà bán tháo của trái phiếu kho bạc diễn ra mạnh hơn. Nói cách khác, lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ còn tăng cao hơn.

Khi đó, không những thị trường chứng khoán nợ lớn nhất và giàu thanh khoản nhất thế giới có nguy cơ sụp đổ mà sức mạnh tài khoá của Mỹ cũng có thể chịu rủi ro, gây ảnh hưởng hệ thống tài chính toàn cầu.

Thị trường trái phiếu

Hiện tại, nhiều trái phiếu kho bạc kỳ dài hạn được chính phủ phát hành cách đây vài năm đang giao dịch chỉ bằng 50% mệnh giá. Nếu xét trên thị trường chứng khoán, mức giảm này tương đương một cú sập lịch sử.

Nếu đà giảm này tiếp tục cho đến hết tháng 12, trái phiếu kho bạc sẽ có năm thua lỗ thứ ba liên tiếp. Theo Bank of America Global Research, đây sẽ là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Nhìn chung, thị trường đang rơi vào một vòng luẩn quẩn: trái phiếu càng bị bán tháo, lợi suất càng lên cao, lòng tin của nhà đầu tư càng sụt giảm và trái phiếu sẽ càng mất giá.

Sức mạnh tài khoá của Mỹ

Mặt khác, lợi suất càng tăng thì chi phí lãi vay của Mỹ càng lớn. Chi phí lãi vay là khoản mục tăng nhanh nhất, đồng thời là khoản chi lớn thứ 4 trong chương trình ngân sách của Mỹ sau An sinh Xã hội, Medicare và quốc phòng.

Tỷ trọng của chi phí lãi vay ròng trong tổng chi tiêu liên bang đã tăng gần hai lần trong giai đoạn 2020 - 2023, từ 5% (tương đương 345 tỷ USD) lên 10% (khoảng 660 tỷ USD).

Theo ông Marc Goldwein, Giám đốc của Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, trừ khi có những thay đổi về chính sách, các đợt nâng lãi suất gần đây của Fed có thể khiến chi phí lãi vay tăng thêm 3.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

 

Chi phí lãi vay càng tăng cao, vấn đề thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ ngày càng trầm trọng hơn, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chính sách tài khoá. Rủi ro vỡ nợ và suy thoái cũng sẽ treo lơ lửng trên đầu nước Mỹ.

Hôm 10/11, Moody’s Investors Service đã hạ đánh giá triển vọng nợ công của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, dù vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất là AAA.

Moody’s nhận định, rủi ro đối với sức mạnh tài khoá của Mỹ đã gia tăng và “sức mạnh tín dụng đặc biệt của Mỹ có thể sẽ không bù đắp được hoàn toàn rủi ro”. Cơ quan xếp hạng này dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ vẫn rất lớn và khả năng trả nợ của Mỹ sẽ suy yếu đáng kể.

Với cùng lý do, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ vào đầu năm nay, trong khi S&P có động thái tương tự vào năm 2011.

Hệ thống tài chính toàn cầu

Đáng lo hơn, trái phiếu kho bạc còn là xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Lợi suất của các trái phiếu này quyết định nhiều loại lãi suất khác nhau, từ lãi vay thế chấp mua nhà, vay nợ cá nhân tại Mỹ cho đến lãi suất của các chứng khoán nợ trên khắp thế giới.

Nếu khối nợ công khổng lồ đẩy Mỹ vào suy thoái, nền kinh tế số một thế giới khó mà chìm một mình. Thiệt hại có thể lan rộng ra toàn cầu.

Đơn hàng xuất sang Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạn kiệt. Nhiều nhà đầu tư Thuỵ Sỹ sở hữu trái phiếu kho bạc sẽ chịu thua lỗ. Các công ty có trụ sở tại Sri Lanka không còn có thể dùng đồng USD như một giải pháp thay thế cho đồng nội tệ yếu kém.

Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, từng cảnh báo: “Không ngóc ngách nào của nền kinh tế toàn cầu thoát được nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng”.

Cần một giải pháp triệt để

Kể từ năm 1960, khi chính phủ cận kề vỡ nợ, Quốc hội lại nâng hoặc đình chỉ trần nợ công, đến nay đã 78 lần. Đầu tháng 6 vừa qua, họ đã nhất trí đình chỉ giới hạn đi vay đến ngày 1/1/2025.

Tới thời điểm đó, nếu Mỹ mấp mé bờ vực lần nữa, Quốc hội nhiều khả năng sẽ lại can thiệp, bất chấp tình trạng bất đồng chính trị giữa hai đảng hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Mỹ có nhiều cách để kiểm soát vấn đề vay nợ, chứ không nhất thiết phải trả toàn bộ 33.700 tỷ USD nợ vay hay cân bằng ngân sách ngay lập tức.

Mục tiêu chính là thu hẹp khoảng cách giữa chi tiêu và nguồn thu liên bang để tỷ lệ nợ công/GDP ổn định hoặc giảm dần theo thời gian. Washington sẽ buộc phải đồng thời cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách các chương trình ngốn nhiều ngân sách như An sinh Xã hội.

 

Đảng Cộng hoà nói họ muốn thu hẹp chi tiêu. Song, các đảng viên Cộng hoà đang nhắm đến các khoản chi khá nhỏ và bỏ qua những chương trình phúc lợi xã hội lớn và quốc phòng.

Trong khi đó, ông Biden muốn tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, nhưng ông sẽ sử dụng phần lớn nguồn thu bổ sung cho các chương trình mới thay vì giải quyết khối nợ. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng đã không thể thúc đẩy các đề xuất tăng thuế khi Đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội trong hai năm đầu nhiệm kỳ.

Bế tắc là điều nhiều người đã thấy rõ. Tuy nhiên, thị trường có thể buộc chính phủ và Quốc hội hành động vào một thời điểm nào đó nếu lãi suất tăng cao gây ra thiệt hại nặng nề và cử tri cuối cùng cũng nhận ra rằng một chính phủ chi tiêu ít hơn và thu thuế nhiều hơn là lựa chọn ít tồi tệ nhất cho nền kinh tế.

Yên Khê