Thủ tướng: Cần chính sách vượt trội xây dựng trung tâm tài chính
Tại cuộc làm việc ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc xây dựng các trung tâm tài chính là "vấn đề khó và mới với Việt Nam". Do đó, ông yêu cầu Ban chỉ đạo về xây dựng trung tâm này và các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các văn bản, đề án. Trong đó, các đề xuất xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế phải phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển Việt Nam. Chính sách đưa ra phải vượt trội, hiện đại, có sức cạnh tranh.
Thủ tướng lưu ý địa giới hành chính của trung tâm mang tính chất tương đối, bảo đảm thuận lợi, triển khai hiệu quả nhất. Trung tâm tài chính cũng phải xây dựng theo hướng hiện đại, số hóa hoạt động và quản lý thông minh bằng các giải pháp khoa học, công nghệ.
Để trung tâm tài chính phát triển, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực Nhà nước, tư nhân, cũng như trong nước và quốc tế. Ông cũng lưu ý các quy định phải rõ thẩm quyền thực hiện, đặc biệt là xử lý những vấn đề phát sinh chưa có quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp, ngày 3/4. Ảnh: VGP
Theo dự thảo Nghị quyết thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, các trung tâm này được định hướng cung cấp các dịch vụ tài chính hiện đại như tài chính xanh, tài chính phái sinh, fintech, đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cho các dự án hạ tầng, năng lượng quy mô lớn. Trong đó, Trung tâm tài chính TP HCM được định hướng trở thành trung tâm quốc tế, còn tại Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Với TP HCM, ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại đây đã có từ những năm 2000. Cuối 2024, Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, dự kiến vận hành năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm.
Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được đánh giá sẽ tạo nền tảng góp phần cho sự tăng trưởng của TP HCM trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để thành phố thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực. Theo đề xuất của Sở Tài chính, trung tâm tài chính quốc tế sẽ đặt tại quận 1 và 11 lô đất có diện tích 9,2 ha ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.
Trong khi đó, mô hình, định hướng phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng sẽ tập trung các dịch vụ tài chính quốc tế và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) gắn với đổi mới sáng tạo. Thành phố đã bố trí 2 quỹ đất sạch với diện tích lần lượt là 6,17 ha và 9,7 ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để xây dựng trung tâm tài chính này.
Phương Dung