Hai chỉ báo suy thoái sắp nhấp nháy, nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy?
Theo Markets Insider, có hai chỉ báo sắp nhấp nháy tín hiệu cảnh báo suy thoái, chúng lần lượt liên quan đến quy tắc Sahm và đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Quy tắc Sahm
Chỉ báo suy thoái đầu tiên là Quy tắc Sahm. Chỉ báo này nhấp nháy khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng 0,5 điểm phần trăm (điểm %) so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó.
Hồi tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên 3,9%, cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong một năm qua là 3,4% vào tháng 4.
So với mức đáy trong 12 tháng, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng đang cao hơn 0,33 điểm %, chỉ còn 0,17 điểm % nữa là phù hợp với Quy tắc Sahm.
Quy tắc Sahm được cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Claudia Sahm xây dựng. Trong quá khứ, khi chỉ báo này loé lên, nguy cơ suy thoái sẽ tăng đáng kể.
Chia sẻ với CNBC vào cuối tuần trước, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Quy tắc Sahm rất chính xác. Từ những năm 1970 đến nay, mọi cuộc suy thoái đều thoả mãn Quy tắc Sahm”.
Bà nói thêm rằng một khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, nó sẽ không ngừng đi lên. “Đó là lý do tại sao tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ cũng có thể là tin xấu, vì số liệu sẽ cứ đà tăng”, bà Sahm lưu ý.
Tuy nhiên, trao đổi với Markets Insider, chiến lược gia vĩ mô Sonu Varghese của Carson Group cho rằng tỷ lệ thất nghiệp đi lên là do nguồn cung lao động mở rộng, một phần do lượng nhập cư cao hơn.
Vị chuyên gia này cho biết lực lượng lao động đang tăng với tốc độ 1,5 - 2% mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ trước đại dịch.
“Trong bối cảnh nguồn cung lao động ngày càng tăng, chúng tôi không chắc Quy tắc Sahm có thực sự là dấu hiệu báo trước một cuộc suy thoái hay không”, ông Varghese nói.
Điều thú vị là bà Sahm lại đồng ý với ông Varghese.
Cựu chuyên gia kinh tế của Fed đã đề cập tới nguồn cung lao động. Bà nói một lượng lớn người Mỹ đã tái gia nhập thị trường việc làm trong năm nay, vượt xa tốc độ tạo việc làm.
“Kịch bản cơ sở của tôi là chúng ta sẽ tránh được suy thoái. Quy tắc Sahm sẽ không đúng trong trường hợp này”, bà nhận định.
Đường cong lợi suất
Chỉ báo suy thoái thứ hai xuất hiện khi đường cong lợi suất đảo ngược đảo ngược một lần nữa.
Mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm từng nới rộng tới -1,06 điểm % vào tháng 7 nhưng đã thu hẹp còn -0,13 điểm % vào cuối tháng 10.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt lợi suất kỳ hạn 10 năm là tín hiệu báo trước mọi cuộc suy thoái kinh tế kể từ năm 1955. Hiện tượng này gọi là đường cong lợi suất đảo ngược (inverted yield curve).
Tuy nhiên, trong khi đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu cho thấy suy thoái có thể sẽ xảy ra trong tương lai, thì xu hướng ngược lại (de-inversion) thường đồng nghĩa rằng suy thoái đang rất gần.
Song, ông Varghese của Carson cũng không lo lắng về chỉ báo này.
“Trong quá khứ, đường cong lợi suất đảo ngược đảo ngược lần nữa xảy ra khi Fed nhanh chóng hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Lần này, hiện tượng đó xuất hiện khi lợi suất trái phiếu kỳ dài hạn tăng lên, nguyên nhân bắt nguồn từ việc nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong tương lai”, ông giải thích.
Bằng chứng là vào đầu tháng 11, lợi suất trái phiếu đã sụt giảm sau khi thị trường đón nhận báo cáo việc làm tháng 10 yếu hơn dự đoán. Điều này cho thấy lợi suất đang được thúc đẩy bởi các kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế.