TP HCM cần gần 210.000 tỷ để phát triển hệ thống đường sắt đô thị
Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188 của Quốc hội về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, quy định về phát triển đường sắt đô thị trên địa bàn TP HCM. Cùng với đó, xây dựng các nghị quyết liên quan đến quy hoạch, tài chính, tiêu chuẩn kỹ thuật, phát triển công nghiệp đường sắt.
Đặc biệt, để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị, TP HCM cần huy động và bố trí 209.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, TP HCM sẽ xây dựng phương án huy động vốn ODA, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đồng thời khởi công tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương); lập, thẩm định báo cáo khả thi 7 tuyến khác và triển khai công tác bồi thường, tái định cư, di dời công trình, đấu thầu, thi công.
Ngoài ra, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga, đấu giá đất để phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; xây dựng đề án đào tạo cán bộ, phát triển công nghiệp đường sắt.
Mô hình quản lý đầu tư đường sắt đô thị cũng sẽ được cải tổ và thành lập hội đồng thẩm định, tổ thẩm định nhà thầu, tổ chức sơ kết sau hai năm.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân).
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 188 về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Nghị quyết số 188 quy định, về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến, Thủ tướng căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Trong đó, ngân sách có thể bổ sung tối đa không vượt quá 215.350 tỷ đồng cho TP Hà Nội và không vượt quá 209.500 tỷ đồng cho TP HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035.
Các nguồn vốn này được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm thì không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
UBND thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm trước khi có quyết định đầu tư để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Theo đề án phát triển hệ thống metro TP HCM, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km, tổng mức đầu tư khoảng 40,2 tỷ USD. Giai đoạn 10 năm sau đó (đến năm 2045), mạng lưới này sẽ được đầu tư thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên 510 km.