|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Mỹ lạc quan về tương lai ở Trung Quốc

18:36 | 09/03/2021
Chia sẻ
Theo cuộc khảo sát mới của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), khá nhiều doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc nhận thấy lĩnh vực hoạt động của họ sẽ tăng trưởng trong năm nay. Các doanh nghiệp cũng hy vọng hai siêu cường Mỹ - Trung sẽ hàn gắn quan hệ trong tương lai.

Bloomberg dẫn báo cáo mới công bố của AmCham cho biết, khoảng 81% trong 345 doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng ngành nghề hoạt động của họ sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và 45% nhận thấy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cải thiện, tăng 15 điểm % so với khảo sát năm ngoái.

Ông Greg Gilligan - Chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết tâm lý lạc quan trong quan hệ song phương Mỹ - Trung gia tăng sau khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Khảo sát của AmCham được thực hiện trong hai tháng 10 và 11 năm ngoái.

"AmCham nhận thấy các vấn đề giữa hai nước không thay đổi, nhưng nhìn chung mọi thứ sẽ cải thiện khi chính quyền ông Biden áp dụng các biện pháp ngoại giao truyền thống hơn như chủ nghĩa đa phương và quay lại bàn đàm phán cùng Trung Quốc", ông Gilligan chia sẻ với Bloomberg.

Chủ tịch AmCham Trung Quốc còn kêu gọi hai siêu cường nên sử dụng các định nghĩa về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật "càng hẹp càng tốt" để tạo cơ hội cho thương mại song phương.

AmCham dự đoán quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm hơn sau đại dịch   - Ảnh 1.

Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla, bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Nhờ sự hỗ trợ của Bắc Kinh mà Tesla có thể hoàn thiện siêu nhà máy tại Thượng Hải trong thời gian thần tốc 168 ngày. (Ảnh: SCMP).

Khoảng 50% người tham gia khảo sát của AmCham cho biết môi trường đầu tư đang cải thiện. Chỉ 12% nhận thấy tình hình đầu tư đang xấu đi, cũng là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi câu hỏi này lần đầu tiên xuất hiện trong bảng khảo sát năm 2012. Liên quan đến kết quả kinh doanh, khoảng 56% cho biết họ có lãi vào năm ngoái, mức thấp nhất trong 19 năm qua; và 20% khác báo lỗ.

"Trong bối cảnh Trung Quốc đang dẫn đầu đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và chính quyền của ông Biden đã tiếp quản quyền lực, các thành viên của chúng tôi lạc quan thận trọng về tăng trưởng kinh doanh ở Trung Quốc", ông Gilligan cho hay.

Các chuyến công tác quốc tế bị gián đoạn, nhân viên nước ngoài không thể quay lại Trung Quốc do lệnh hạn chế nhập cảnh của Bắc Kinh và bất ổn trong việc ra quyết định kinh doanh là ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.

Bất chấp tâm lý lạc quan đang nhen nhóm, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn được cho là thách thức kinh doanh lớn nhất của các doanh nghiệp này. Chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng, sự cạnh tranh từ các công ty tư nhân địa phương và hướng diễn giải cũng như thực thi quy định thiếu nhất quán của Bắc Kinh là các trở ngại lớn khác.

Đảm bảo một sân chơi bình đẳng là biện pháp hàng đầu mà Bắc Kinh có thể thực hiện để giúp doanh nghiệp nước ngoài, cuộc khảo sát của AmCham chỉ ra. Trong khi đó, Washington có thể giúp đỡ doanh nghiệp Mỹ bằng các kiềm chế những lời chỉ trích gay gắt và hành động ăn miếng trả miếng với Trung Quốc.

Từ báo cáo của AmCham, Bloomberg còn rút ra một số ý nổi bật như sau:

- Ở khía cạnh tiếp cận thị trường, mua sắm công và trợ cấp chính phủ thì so với doanh nghiệp địa phương, các công ty Mỹ ở Trung Quốc bị đối xử bất công nhất. Hơn 60% người tham gia khảo sát tin tưởng Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài.

- Chỉ 37% cho biết rủi ro rò rỉ tài sản trí tuệ và đe dọa an ninh công nghệ thông tin ở Trung Quốc lớn hơn so với các thị trường khác. Tỷ lệ này giảm mạnh so với con số 54% vào năm 2016.

- Ở khía cạnh đàm phán thương mại song phương trong tương lai, 71% muốn thấy tiến bộ trong vấn đề mở cửa thị trường Trung Quốc, 48% muốn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và 40% muốn hạ thuế quan.

- Hơn 30% muốn giảm hoặc giữ nguyên mức đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay, trong khi 37% sẽ tăng đầu tư nhưng mức tăng không quá 10%.

- Các công ty trong lĩnh vực công nghệ và các ngành thâm dụng nghiên cứu và phát triển (R&D) lạc quan nhất về cơ hội tăng trưởng năm 2021. Khoảng 86% dự đoán thị trường sẽ mở rộng.

- Các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng có triển vọng xấu nhất, khoảng 13% dự đoán thị trường sẽ co hẹp. Hơn 50% báo doanh thu giảm trong năm 2020.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.