Trung Quốc 'tích cực cân nhắc' gia nhập CPTPP, đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn
Thắt chặt quan hệ với đồng minh của Mỹ
Tại sự kiện này, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách quan trọng cho đất nước trong năm 2021 cũng như cho kế hoạch kinh tế 5 năm (2021 - 2025). Trong báo cáo công việc trước đại biểu NPC, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra một phát biểu đáng chú ý.
Vị thủ tướng cho biết Trung Quốc có thể "sẽ tích cực cân nhắc tham gia" Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có tranh chấp với một số nước thành viên CPTPP như Australia, Canada và Nhật Bản, Bloomberg lưu ý.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói thêm, Trung Quốc sẽ tăng cường đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như nhanh chóng thực thi thỏa thuận đầu tư ký kết với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12 năm ngoái.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng các nước để đạt được lợi ích chung trên cơ sở mở cửa song phương", Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh.
Bản báo cáo thường niên của ông Lý Khắc Cường không đả động đến thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, mà chỉ lưu ý rằng Trung Quốc "sẽ thúc đẩy sự phát triển đôi bên cùng có lợi giữa Mỹ và Trung Quốc dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Theo thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 so với mốc của năm 2017. Trong năm đầu thực thi thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đã nhập khẩu 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ, tương đương khoảng 58% mục tiêu mua hàng trị giá 173,1 tỷ USD của năm 2020. Số liệu này do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổng hợp từ dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Mỹ từng là thành viên nổi trội của TPP, song đã rút khỏi hiệp định ngay khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017. Sau khi đắc cử trong năm nay, Tổng thống Joe Biden lại đang nỗ lực tập hợp đồng minh bao gồm một số nước thành viên của CPTPP hiện tại, để kiềm chế Trung Quốc.
Tăng trưởng GDP trên 6%, tiềm lực quân sự tương xứng sức mạnh kinh tế
Cũng trong phiên họp, chính phủ Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và cam kết tiếp tục hỗ trợ tài khóa để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, Bắc Kinh kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay là trên 6%, khá thận trọng và thấp hơn nhiều so với ước tính trung vị của các nhà kinh tế là 8,4%.
Thủ tướng Lý Khắc Cường còn cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách xuống còn 3,2% GDP. Mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay thấp hơn con số 3,6% GDP của năm ngoái song vẫn cao hơn dự đoán 3% GDP của nhiều nhà phân tích.
Theo Bloomberg, động thái này báo hiệu rằng Bắc Kinh vẫn cần tăng cường chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong năm nay.
"Năm 2021, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi và thử thách, nhưng các nền tảng kinh tế cơ bản giúp duy trì đà tăng trưởng lâu dài vẫn không đổi... Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% sẽ cho phép tất cả chúng ta dành toàn bộ năng lượng để thúc đẩy cải cách, đổi mới và phát triển chất lượng cao", Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm ngoái, phần nào là nhờ ngân hàng trung ương bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ tăng chi tiêu tài khóa vào cơ sở hạ tầng và nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trong nước.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn dự báo chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 6,8% lên 1.350 tỷ nhân dân tệ (tương đương 208 tỷ USD) trong năm nay. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2019 và được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có xích mích với Mỹ và các nước láng giếng quan trọng.
Trong một báo cáo, Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay: "Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ tài chính để hiện đại hóa nền quốc phòng và các lực lượng vũ trang trong nước, đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng sao cho tương xứng với sức mạnh kinh tế".