Giải mã kỳ họp chính trị quan trọng nhất năm của Trung Quốc
1. Mục đích của kỳ họp là gì?
Trung Quốc đôi khi dùng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc để tiết lộ những thay đổi lớn về chính sách và nhân sự. Trong kỳ họp năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch thông qua dự luật thiết lập "cơ chế thực thi để đảm bảo an ninh quốc gia" cho Hong Kong. Vài tuần sau, Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu hành chính này.
2. Chương trình nghị sự năm nay có gì?
Trong kỳ họp, các lãnh đạo đảng sẽ xem xét kỹ lưỡng nền kinh tế, ngân sách nhà nước và địa phương cùng kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Theo Bloomberg, kế hoạch 5 năm cho giai đoạn 2021-2025 nhiều khả năng sẽ tập trung vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Như thường lệ, kỳ họp sẽ diễn ra đồng thời với buổi tập hợp của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Cơ quan này bao gồm cả đại biểu đảng lẫn các thành viên độc lập, ví dụ như các doanh nhân.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc và cuộc họp của cơ quan cố vấn thường được gọi chung là "lưỡng hội".
3. Còn điều gì nữa?
Kỳ họp năm nay có thể sẽ đề cập đến các thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hong Kong, giúp gia tăng khả năng kiểm soát của Bắc Kinh với thành phố này.
Hồi tháng 2, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam phát biểu rằng Bắc Kinh cần "hành động để giải quyết" vấn đề các cuộc bầu cử địa phương. Nhiều quan chức Trung Quốc cấp cao cũng đã thảo luận các đề xuất với đại diện của Hong Kong.
Một chủ đề khác có thể được đưa ra bàn luận là chính sách sinh đẻ. Hiện Trung Quốc cho phép mỗi cặp vợ chồng có hai con sau hàng thập kỷ áp dụng chính sách một con. Trong bối cảnh nền dân số già hóa nhanh hơn các nước phát triển nhất, Trung Quốc đang cân nhắc gỡ mọi hạn chế về sinh đẻ tại các tỉnh phía đông bắc.
4. Những ai sẽ tham dự?
Dự kiến Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc năm 2021 sẽ có khoảng 3.000 thành viên. Điểm chung của họ là cần phải có sự chấp thuận của đảng mới được tham dự. Những người tham gia bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và 6 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, các lãnh đạo khác trong đảng và chính phủ, giám đốc doanh nghiệp và chỉ huy quân đội.
Một số nhà báo Trung Quốc và quốc tế hoạt động tại Bắc Kinh được đến dự, nhưng những người từ nước ngoài thì không. Các cuộc họp báo và phỏng vấn sẽ được tổ chức bằng nhiều phương pháp bao gồm cả đường link video.
Phái viên nước ngoài được mời đến quan sát các phiên họp toàn thể. Một số phóng viên được phép đưa tin trong Đại lễ đường Nhân dân, tâm điểm truyền thống của kỳ họp.
5. Ông Tập đối mặt với khó khăn gì?
Ông Tập đang vấp phải làn sóng chỉ trích trên toàn thế giới về hàng loạt vấn đề: cách Trung Quốc xử lý đại dịch, cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và việc thắt chặt kiểm soát lên Hong Kong thông qua luật an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có lo ngại về sự gia tăng áp lực quân đội Trung Quốc lên đảo Đài Loan.
Trung Quốc cũng cần thiết lập lại quan hệ với châu Âu và Mỹ sau 4 năm leo thang căng thẳng dưới thời ông Trump.
Đồng thời, ông Tập đang tìm cách củng cố quyền lực do nhiệm kỳ thứ hai sẽ kết thúc vào năm sau. Ông Tập có thể giành được nhiệm kỳ thứ ba vì Trung Quốc đã xóa bỏ giới hạn chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ 5 năm.
6. Nền kinh tế thì sao?
Trung Quốc sẽ tiết lộ mục tiêu kinh tế và ngân sách, bao gồm chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái chính phủ Trung Quốc không đặt ra mục tiêu GDP và có thể sẽ tiếp tục loại bỏ thông số này trong năm 2021 do tác động của đại dịch. Các nhà kinh tế dự đoán GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, hầu hết các tỉnh cũng đặt mục tiêu ít nhất 6%.
Các quan chức cũng đã báo hiệu ý muốn cắt giảm kích thích rót vào nền kinh tế trong năm ngoái và giảm nợ.
Trọng tâm của Kế hoạch 5 năm có thể sẽ là việc Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực tự chủ về công nghệ trong bối cảnh đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Mỹ. Washington đã đưa các đại gia công nghệ Trung Quốc như Huawei vào danh sách đen, cấm mua các thành phần quan trọng từ các nhà cung cấp Mỹ.