Nền kinh tế Trung Quốc nặng gánh vì dân số già hóa
Năm 1979, chính phủ Trung Quốc chính thức áp dụng Chính sách Kế hoạch hóa Gia đình, yêu cầu mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh duy nhất một con. Dù chính sách gây tranh cãi này giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, nó cũng là một yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và là mầm mống cho bất ổn xã hội tại đất nước tỷ dân.
Cho đến năm 2015, Bắc Kinh mới bãi bỏ chính sách một con và cho phép người dân có hai con. Song, hiện tại các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên đưa ra những thay đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng khi tỷ lệ sinh đẻ giảm và dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
CNBC dẫn lời ông Zhang Zhiwei, Kinh tế trưởng tại công ty quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management, cho hay: "Có hai cách để giải quyết vấn đề. Một là nới lỏng giới hạn sinh đẻ, nhưng biện pháp này chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. Ngay cả khi Bắc Kinh nới lỏng hoàn toàn giới hạn, xu hướng già hóa dân số vẫn rất khó có thể đảo ngược".
"Hai là xử lý vấn đề bằng chính sách kinh tế, hay nói cách khác là làm cho lĩnh vực công nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào các ngành nghề khác", ông Zhang nói tiếp.
Nền kinh tế Trung Quốc vốn lệ thuộc nhiều vào các ngành đòi hỏi lượng lớn lao động giá rẻ như chế tạo. Tuy nhiên, mức lương tăng lên khiến các nhà máy nội địa trở nên kém hấp dẫn hơn, trong khi người lao động lại cần thêm kỹ năng mới để giúp đất nước đổi mới.
Bà Alicia Garcia-Herrero, Kinh tế trưởng của ngân hàng Natixis khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tình trạng già hóa dân số còn khiến một vấn đề khác là "năng suất lao động tăng trưởng chậm hơn" càng thêm đáng ngại.
Tỷ lệ sinh giảm 15% trong năm 2020
Chính sách một con ra đời là nhằm làm chậm tốc độ gia tăng dân số ở Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, quy mô dân số của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ hơn 500 triệu người vào thập niên 1940 lên hơn 1 tỷ vào thập niên 1980. Trong 40 năm tiếp theo, dân số chỉ tăng khoảng 40% lên 1,4 tỷ người, gấp hơn 4 lần so với con số hiện tại của Mỹ.
Tương tự các nền kinh tế lớn khác, chi phí nhà ở và giáo dục tương đối cao ở Trung Quốc khiến người dân hạn chế có con trong những năm gần đây.
Theo phân tích từ một báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc, dù chính phủ đã bắt đầu cho phép các gia đình có hai con từ cuối năm 2015, số ca sinh đã giảm năm thứ tư liên tiếp vào năm 2020. Tỷ lệ sinh giảm 15% xuống còn 10 triệu ca.
"Nhìn chung, tôi không nghĩ nới lỏng chính sách sinh đẻ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế, vì dân số tăng chậm không phải do chính sách một con, ít nhất là trong 20 năm qua", bà Wang Dan - chuyên gia kinh tế trưởng của Hang Seng China, nhận định.
Bà Wang cho biết, dựa theo kinh nghiệm của các nước khác, chính sách hiệu quả nhất đối với một quốc gia có quy mô dân số như Trung Quốc chính là chào đón thêm dân nhập cư, song thay đổi này khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Các nhà hoạch định chính sách đang theo đuổi một số phương án khác như nâng tuổi nghỉ hưu; nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện có thông qua giáo dục; và tận dụng nhiều máy móc cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế lao động con người, bà Wang chia sẻ.
Thay đổi chính sách chỉ là vấn đề thời gian
Chính sách một con vừa được chú ý trở lại vào tháng trước, khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) chỉ định Đại học Cát Lâm, Đại học Liêu Ninh và một số tổ chức khác nghiên cứu lợi ích kinh tế nếu gỡ bỏ giới hạn sinh đẻ ở Đông Bắc Trung Quốc.
Theo CNBC, khu vực Đông Bắc Trung Quốc bao gồm ba tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang, thường gặp khó khăn về kinh tế và có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất cả nước.
Hai ngày sau đó, NHC đưa ra một tuyên bố khẳng định nghiên cứu mới không phải là phép thử cho việc bãi bỏ hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình hiện tại, dù trên mạng có nhiều đồn đoán rằng đó là sự thật.
Song, các nhà kinh tế được CNBC phỏng vấn dự đoán kế hoạch loại bỏ giới hạn sinh đẻ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ông Yi Fuxian, một chuyên gia kịch liệt chỉ trích chính sách một con và là tác giả cuốn "Big Country With an Empty Nest", kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay, sau khi chính phủ công bố kết quả điều tra dân số mỗi 10 năm một lần vào tháng 4 tới.
Thách thức của già hóa dân số
Chính phủ Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu rằng ứng phó với tình trạng già hóa dân số sẽ là một ưu tiên trong kế hoạch kinh tế 5 năm tới. Kế hoạch này sẽ chính thức được thông qua tại kỳ họp quốc hội khai mạc trong tuần này.
Song, các thế hệ sinh ra trước khi chính sách một con được thực thi đang ngày càng đông đảo. Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có thêm 123,9 triệu người bước vào độ tuổi từ 55 trở lên. Morgan Stanley cho biết đây là mức tăng nhân khẩu học lớn nhất trong tất cả các độ tuổi.
Ông Liu Xiangdong, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết thay đổi nhân khẩu học trên sẽ tạo ra những nhu cầu kinh tế riêng.
Cụ thể, ông Liu dự đoán Trung Quốc sẽ cần thêm nhân lực để chăm sóc người cao tuổi, trong khi nhu cầu cho các cộng đồng hưu trí và cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm dân số già sẽ tăng lên.