'Trung Quốc gặp rủi ro tài khóa cực kỳ nghiêm trọng'
Cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei cảnh báo tình hình tài khóa của Trung Quốc "cực kỳ nghiêm trọng với nhiều rủi ro và thách thức", bao gồm hậu quả từ chính sách kích thích kinh tế mạnh tay của Mỹ, suy thoái kinh tế toàn cầu, già hóa dân số Trung Quốc và nợ chính quyền địa phương tăng cao.
Nhận xét sắc bén của ông Lou được đưa ra từ tháng 12 nhưng mới chỉ được công bố gần đây, vài ngày trước khi giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc tập họp cho phiên họp lập pháp thường niên.
Một trong những vấn đề lớn cần thảo luận là liệu Trung Quốc có nên giảm quy mô kích thích tài khóa và tập trung kiềm chế rủi ro nợ đang gia tăng hay không. Theo South China Morning Post (SCMP), dự kiến Bắc Kinh sẽ cắt giảm kích thích tài khóa dù Washington đang tiến gần đến việc phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế 1.900 tỷ USD.
Cựu Bộ trưởng Lou cảnh báo thu ngân sách của Trung Quốc sẽ mắc kẹt ở "mức thấp" trong 5 năm tới, trong khi đó không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu.
Ông Lou cho biết: "Khó khăn tài khóa không chỉ là vấn đề ngắn hạn mà còn nghiêm trọng trong trung hạn".
Ông cáo buộc Mỹ đang tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách của mình để chuyển gánh nặng nợ nần sang phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Trung Quốc.
Nhận xét của ông Lou được đăng tải trong tạp chí liên kết với Bộ Tài chính Trung Quốc trong bối cảnh Hạ viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD do ông Biden đề xuất vào sáng sớm 27/2.
Hôm 25/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định ngân hàng trung ương này không có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi thấy tình hình việc làm được cải thiện vững chắc. Ông Powell không bày tỏ chút quan ngại nào về viễn cảnh lạm phát và giá tài sản gia tăng.
Nhưng ông Lou cảnh báo quan điểm của Mỹ là thiển cận. Ông lập luận: "Một khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ có bước ngoặt tác động đến sự ổn định tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của hàng loạt quốc gia".
"Các nền kinh tế thị trường mới nổi đang đối mặt với cú đấm kép vào nền kinh tế và tài chính, với rủi ro kinh tế chuyển biến thành rủi ro tài khóa và tài chính, gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ".
'Thay đổi thế kỷ'
Theo ông Lou, Trung Quốc không chỉ gặp phải thách thức từ nước ngoài mà còn phải đối mặt với bất ổn từ nội địa.
Bắt đầu từ năm 2009, Trung Quốc đã tiến hành chính sách tài khóa mở rộng trong 11 năm liên tiếp, dẫn đến thâm hụt tài khóa liên tục gia tăng và quy mô nợ của quốc gia bùng nổ, ông Lou nhận định.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết năm 2020, chi tiêu tài khóa của nước này tăng 2,8% trong khi thu ngân sách giảm 3,9% - mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 1976. Ông Lou ước tính 15% chi tiêu của nhà nước trong năm ngoái được sử dụng để trả lãi các khoản nợ, tăng so với tỷ lệ 13% năm 2019.
Ông Lou cảnh báo tính bền vững nợ của hầu hết các tỉnh và thành phố sẽ càng trở nên đáng ngại hơn trong giai đoạn 2021-2025 khi quy mô nợ địa phương tiếp tục phình to.
Ông cũng lập luận rằng nhiều khả năng tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc sẽ sản sinh ra những thách thức nghiêm trọng đối với tính bền vững tài khóa quốc gia.
Ông Lou nói: "Xã hội đang già đi ngày càng nhanh, làm thay đổi quy mô và cơ cấu chi tiêu tài khóa ở Trung Quốc, tăng thêm gánh nặng tài chính cho việc chăm sóc người cao tuổi và gây áp lực lên tài chính của chính phủ".
Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có hơn 176 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm đến 12,6% dân số. Trong khi đó số người từ 60 tuổi trở lên là 177,6 triệu người, chiếm 13,3% tổng dân số, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Ông Lou khẳng định: "Chúng ta đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ".
"Bất kể tình hình kinh tế và xã hội trong nước hay suy thoái kinh tế toàn cầu thay đổi như thế nào, nợ chính phủ tăng cao và xung đột thương mại toàn cầu đều sẽ tạo ra những bất ổn lớn và những thách thức nghiêm trọng đối với tính bền vững tài khóa của Trung Quốc".