|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hạ viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, đợi phán quyết từ Thượng viện

15:06 | 27/02/2021
Chia sẻ
Sáng sớm 27/2 theo giờ Mỹ, Hạ viện đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD và chuẩn bị chuyển dự luật đồ sộ này tới cho Thượng viện. Quy mô đề xuất cứu trợ hiện nay xấp xỉ gói giải cứu 2.000 tỷ USD được ban hành vào tháng 3/2020.
Hạ viện Mỹ vừa phê chuẩn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 1.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.900 tỷ USD vào rạng sáng 27/2 theo giờ Mỹ, tức chiều 27/2 giờ Việt Nam. Ảnh minh họa: Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Dự luật cứu trợ khổng lồ này là sáng kiến lập pháp lớn đầu tiên do Tổng thống Joe Biden khởi sướng kể từ khi nhậm chức. Theo CNBC, kết quả biểu quyết tại Hạ viện tuân theo gần như hoàn toàn sự phân chia đảng phái khi toàn bộ các nghị sĩ Cộng hòa và hai nghị sĩ Dân chủ phản đối. Tổng cộng đã có 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống.

Kể từ tuần sau, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét kế hoạch hỗ trợ này. Các nghị sĩ sẽ đề xuất các sửa đổi và nhiều khả năng Thượng viện sẽ thông qua một phiên bản dự luật khác. Sau đó, Hạ viện sẽ phải họp lại để quyết định chấp thuận phiên bản của Thượng viện; nếu không, đại diện của cả hai viện sẽ phải cùng nhau soạn thảo một đề xuất mới.

Đảng Dân chủ đang chiếm thế đa số nhỏ ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện và đã lựa chọn thông qua dự luật cứu trợ này theo thủ tục điều chỉnh ngân sách chứ không chịu đàm phán một dự luật nhỏ hơn với Đảng Cộng hòa. 

Quy trình điều chỉnh ngân sách này cho phép một dự luật được Thượng viện thông qua với đa số quá bán (>50%), không cần đa số 60% như với quy trình thông thường.

Theo CNBC, các nội dung chính của dự luật mà Hạ viện mới thông qua bao gồm:

* Mỗi người dân được phát 1.400 USD tiền mặt. Số tiền giảm dần với những người có thu nhập từ 75.000 USD/năm trở lên và dừng hẳn với những người có thủ nhập từ 100.000 USD/năm.

* Trợ cấp thất nghiệp bổ sung 400 USD/tuần kéo dài tới 29/8, đồng thời kéo dài thời gian áp dụng chính sách mở rộng phạm vi nhận trợ cấp thất nghiệp cho hàng triệu người.

* Mở rộng chương trình tín dụng thuế trẻ em để hỗ trợ mỗi gia đình 3.600 USD/trẻ/năm.

* 20 tỷ USD để phân phối vắc xin COVID-19 và 50 tỷ USD để xét nghiệm, truy vết

* 350 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền các bang, địa phương và bộ lạc

* 25 tỷ USD hỗ trợ người dân trả tiền thuê nhà

* 170 tỷ USD để hỗ trợ các trường từ mầm non đến đại học mở cửa trở lại và hỗ trợ học sinh, sinh viên

* Nâng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ, tuy nhiên nhiều khả năng Thượng viện sẽ không được phép thông qua điều khoản này theo thủ tục điều chỉnh ngân sách.

Tương lai dự luật ra sao tại Thượng viện?

Đảng Dân chủ cho rằng việc thông qua dự luật này là rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 – một bước quan trọng để lập lại cuộc sống bình thường. Dự luật cũng được kỳ vọng sẽ giúp các gia đình sống sót qua thời kỳ kinh tế khó khăn với 19 triệu người đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) tuyên bố vào đêm 26/2, trước giờ biểu quyết: "Lẽ ra chúng ta phải hành động quyết đoán từ lâu rồi. Kế hoạch giải cứu người dân Mỹ của Tổng thống Joe Biden chính là hành động quyết đoán mà chúng ta phải làm".

Hạ viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, đợi phán quyết từ Thượng viện - Ảnh 2.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các trợ lý. (Ảnh: Getty Images).

Lãnh đạo Phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân Chủ) viết trên Twitter: "Đây là một cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế 100 năm mới xuất hiện một lần. Vậy nhưng các chính trị gia Đảng Cộng hòa vẫn đang cố sức tập hợp mọi nghị sĩ cùng đảng hòng phản đối gói cứu trợ mạnh tay và khẩn cấp này".

Đảng viên Cộng cho rằng nền kinh tế Mỹ không cần một gói hỗ trợ khổng lồ đến vậy và chỉ trích quy mô đề xuất phát tiền mặt, cấp thêm ngân sách cho chính quyền bang, địa phương và các trường học là quá lớn.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ trong Quốc hội cho rằng việc ngồi im không làm gì sẽ gây ra rủi ro lớn hơn so với hỗ trợ nhiều hơn cần thiết.

Đảng Dân chủ ở Thượng viện sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với ở Hạ viện trong việc thông qua dự luật. Hiện nay hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có 50 ghế thượng nghị sĩ. Phe Dân chủ phải đảm bảo rằng không có thành viên nào của đảng mình ngả sang phe Cộng hòa. Nếu biểu quyết hòa nhau 50-50, Phó Tổng thống Kamala Harris quyết định chiến thắng cho Đảng Dân chủ.

Chỉ cần một thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống, dự luật 1.900 tỷ USD sẽ đi vào ngõ cụt. Hiện nay, đảng viên Dân chủ có khả năng ngả theo Đảng Cộng hòa cao nhất là Thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia. Ông Manchin từng nhiều lần tuyên bố không bằng lòng với dự luật cứu trợ này.

Điều khoản nâng mức lương liên bang tối thiểu lên 15 USD/giờ rất khó được Thượng viện thông qua. Dù vậy, các đảng viên Dân chủ quyết không từ bỏ và dự định sẽ soạn thảo một dự luật riêng về việc nâng lương này.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Chúng tôi sẽ phấn đấu không ngừng nghỉ cho tới khi thông qua được mức lương tối thiểu liên bang 15 USD/giờ".

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Ron Wyden dự định sẽ sửa đổi điều khoản lương tối thiểu để có thể giữ lại nội dung này trong dự luật. Cụ thể, hai ông muốn áp mức phạt 5% tổng quỹ lương của các doanh nghiệp không trả cho người lao động ít nhất 15 USD/giờ.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden bày tỏ quyết tâm: "Nếu chúng tôi không thể đi vào bằng cửa chính hoặc cửa phụ thì chúng tôi sẽ trèo cửa sổ".

Song Ngọc