|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua bất thường sẽ định đoạt chính sách của Tổng thống Biden

07:38 | 03/01/2021
Chia sẻ
Tuy Joe Biden đã chắc chắn giành chức tổng thống đời thứ 46 của nước Mỹ nhưng các chính sách của ông trong tương lai thì hiện vẫn là một dấu hỏi và sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc chạy đua bất thường ở Georgia.

Quyền lực tổng thống nhỏ nhoi

Tháng 2/2009, tức một tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đứng trước toàn thể Quốc hội và tuyên bố chắc nịch: "Quá trình cải cách hệ thống y tế không thể đợi thêm được nữa, và chắc chắn nó sẽ không bị trì hoãn thêm một năm nào nữa".

Ngay sau bài phát biểu, ông Obama và các cộng sự đã bắt tay vào soạn thảo kế hoạch cải cách hệ thống y tế mang tên Dự luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (hay còn gọi là Obamacare).

Ông Obama là thành viên của Đảng Dân chủ. Ông Joe Biden - Phó Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Thượng viện theo Hiến pháp - đương nhiên cũng là đảng viên Dân chủ. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Harry Reid là đảng viên Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng là một đảng viên Dân chủ.

Nói cách khác, Đảng Dân chủ nắm giữ cả Nhà Trắng lẫn thế đa số ở lưỡng viện Quốc hội. Vì thế mà vào năm 2010, Obamacare dễ dàng được Quốc hội thông qua.

Cuộc đua bất thường sẽ định đoạt chính sách của Tổng thống Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Obama (ngồi giữa), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) và Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Harry Reid (phải) đều là thành viên Đảng Dân chủ. (Ảnh: AP).

Đảng Cộng hòa và những người mang tư tưởng cực hữu tại Mỹ coi Obamacare là cái gai trong mắt và đã tìm đủ mọi cách để thủ tiêu đạo luật này, bao gồm cả việc kiện lên Tòa án Tối cao và yêu cầu tuyên Obamacare vi hiến.

Trong cuộc bỏ phiếu năm 2010, tất cả nghị sĩ Đảng Cộng hòa và thậm chí một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đã phản đối Obamacare nhưng không thể thay đổi được kết quả chung cuộc vì thế đa số nằm chắc trong tay Đảng Dân chủ.

Một thành tích lập pháp quan trọng khác của ông Obama là Đạo luật cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng (Luật Dodd – Frank) cũng được thông qua vào giữa năm 2010.

Tuy nhiên trong cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm đó, Đảng Cộng hòa giành lại đa số ghế ở Hạ viện và thế là từ năm 2011 trở đi, ông Obama và Đảng Dân chủ không còn ban hành được một dự luật lớn nào về các lĩnh vực như nhập cư, biến đổi khí hậu, sở hữu vũ khí, …

Tình hình với người kế nhiệm ông Obama - Tổng thống Donald Trump cũng tương tự. Trong năm đầu nhiệm kì 2017, cả Nhà Trắng và đa số ở lưỡng viện Quốc hội đều thuộc về Đảng Cộng hòa.

Ông Trump dễ dàng thông qua Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế vào tháng 12/2017, hạ thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% mặc dù vấp phải sự phản đối của mọi nghị sĩ Dân chủ.

Đến cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2018, Đảng Dân chủ giành được đa số ở Hạ viện và từ năm 2019 trở đi, ông Trump và Đảng Cộng hòa không thể ban hành những đạo luật hoàn toàn theo ý mình được nữa.

Joe Biden – cựu Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện dưới thời ông Obama – vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng các lời hứa chính sách của ông Biden trong quá trình tranh cử có thể được thực hiện hay không sẽ phụ thuộc vào đa số ghế trong Quốc hội thuộc về Đảng Dân chủ của ông hay Đảng Cộng hòa đối lập.

Cuộc chạy đua bất thường

Hạ viện Mỹ có 435 thành viên, số lượng đại diện của mỗi bang phụ thuộc vào dân số của bang đó. Tất cả ghế hạ nghị sĩ phải được tranh cử lại hai năm một lần. Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, Đảng Dân chủ để mất một số ghế vào tay Đảng Cộng hòa nhưng vẫn tiếp tục chiếm đa số ở Hạ viện.

Thượng viện có 100 thành viên, mỗi bang có hai đại diện. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ kéo dài 6 năm, cứ hai năm lại có khoảng 1/3 số ghế thượng nghị sĩ phải tranh cử lại. Hai ghế nghị sĩ đến từ cùng một bang không tranh cử lại trong cùng một năm.

Tuy nhiên một sự việc hy hữu đã xảy ra đối với hai ghế đại diện của Georgia năm 2020. Thượng nghị sĩ David Perdue phải tái tranh cử theo quy luật định kỳ. Người còn lại là bà Kelly Loeffler cũng phải ra tranh cử do trước đây bà không được cử tri bầu mà là được thống đốc bang bổ nhiệm thay thế cho một thượng nghị sĩ khác xin nghỉ giữa nhiệm kỳ vì lý do sức khỏe.

Theo kết quả kiểm phiếu đến nay, Đảng Cộng hòa đã nắm chắc 50 ghế thượng nghị sĩ và Đảng Dân chủ có 48 ghế. Kết quả bầu cử ở Georgia sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện. Nếu Đảng Cộng hòa giành được một hoặc hai ghế, ông Biden sẽ khó có thể ban hành các dự luật theo ý mình.

Nếu Đảng Dân chủ giành được cả hai ghế, mỗi đảng đều sẽ có 50 thượng nghị sĩ nhưng ưu thế sẽ nghiêng về ông Biden và Đảng Dân chủ vì lá phiếu của bà Kamala Harris – Chủ tịch Thượng viện kiêm Phó Tổng thống trong tương lai – sẽ mang sức nặng quyết định.

Cuộc đua bất thường sẽ định đoạt chính sách của Tổng thống Biden - Ảnh 2.

Bộ đôi tranh cử Joe Biden và Kamala Harris. Phó tổng thống Mỹ đồng thời là chủ tịch Thượng viện. Nếu hai phe ở Thượng viện có kết quả biểu quyết ngang nhau, phe nào có chủ tịch Thượng viện sẽ giành phần thắng. (Ảnh minh họa: Reuters).

Tại đại đa số bang của Mỹ, ứng viên nào có nhiều phiếu bầu nhất sẽ giành được ghế thượng nghị sĩ. Georgia lại có quy định khác thường: Ứng viên chiến thắng phải có trên 50% cử tri ủng hộ. Nếu không ai giành được quá bán số phiếu, hai ứng viên đứng đầu sẽ bước vào trận so găng cuối cùng.

Trong cuộc bầu cử 3/11/2020, không ứng viên nào của Georgia chiến thắng nên vào ngày 5/1/2021 tới đây, cử tri toàn bang sẽ phải đi bỏ phiếu lần nữa.

Cuộc bầu cử sắp tới thực chất là hai cuộc đua giữa hai cặp đối thủ: Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa David Perdue vs Ứng viên Đảng Dân chủ Jon Ossoff; và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kelly Loeffler vs Ứng viên Đảng Dân chủ Raphael Warnock.

Kỳ vọng lớn lao của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Không lâu sau khi kết quả bầu cử tổng thống ngã ngũ, cả Tổng thống đắc cử Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump đều hướng sự chú ý về phía Georgia.

Ông Biden hiển nhiên muốn Đảng Dân chủ nắm đa số ở cả hai viện Quốc hội để ông dễ bề ban hành luật pháp cũng như đề cử nhân sự cấp cao. Ông Trump một mặt vẫn mơ về khả năng lật ngược thất bại, mặt khác lại quyết tâm gây khó khăn cho đối thủ và khắc sâu dấu ấn của mình trong tâm trí người ủng hộ.

Hai chính trị gia tuổi ngoài thất tuần này đã không quản ngại đường xá xa xôi đến Georgia để vận động tranh cử cho ứng viên đảng mình.

"Tôi cần hai thượng nghị sĩ Georgia, những người làm được việc chứ không chỉ đứng ra chắn đường. Hãy bầu cho [ông Jon Ossoff và Raphael Warnock], khi đó chúng ta sẽ kiểm soát Thượng viện và thay đổi cuộc sống của người dân Georgia", ông Biden nói hôm 15/12, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ.

Cuộc đua bất thường sẽ định đoạt chính sách của Tổng thống Biden - Ảnh 3.

4 ứng viên chạy đua ghế thượng nghị sĩ Georgia, từ góc trên bên trái theo chiều kim đồng hồ: Jon Ossoff, David Perdue, Raphael Warnock và Kelly Loeffler. (Ảnh: AFP/Getty Images).

CNBC dẫn lời vị tổng thống đắc cử nói thêm: "Chúng ta cần ngân sách cho xét nghiệm COVID-19 và phân phối vắc xin. Chúng ta cần đưa tiền vào túi người dân ngay lập tức. Chúng ta cần làm rất nhiều việc để nâng cao cuộc sống của người dân Georgia cũng như của toàn nước Mỹ. Và để làm được điều này, chúng ta cần những thượng nghị sĩ sẵn sàng hành động".

Ngày 21/12, bạn tranh cử của ông Biden là bà Kamala Harris cũng có mặt ở Georgia để trợ lực cho hai ứng viên Đảng Dân chủ. Vào ngày 3 và 4/1, ông Biden và bà Harris sẽ còn đến Georgia một lần nữa.

Ông Trump vừa làm vừa phá

Trên tài khoản mạng xã hội, ông Trump hàng ngày đăng hàng chục dòng trạng thái khẳng định mình đã chiến thắng trong cuộc bầu cử 3/11 và cáo buộc có gian lận tràn lan. Tuy nhiên, vị đương kim tổng thống thi thoảng cũng lên tiếng ủng hộ cho hai ứng viên David Perdue và Kelly Loeffler.

Ngày 16/11, ông Trump viết trên Twitter: "Tôi nhiệt liệt ủng hộ Kelly và David. Cả hai đều là những con người tuyệt vời và chắc chắn sẽ giành chiến thắng". Trong tuần sau, ông Trump cũng sẽ đích thân đến Georgia để vận động chặng cuối cho hai ứng viên này.

Ngày 5/12, ông Trump cũng đã có mặt tại Georgia và tổ chức buổi mít tinh lớn đầu tiên kể từ ngày bầu cử 3/11. Trong bài phát biểu kéo dài gần hai giờ đồng hồ, ông Trump đã vài lần kêu gọi cử tri Đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu cho ghế thượng nghị sĩ nhưng cũng tranh thủ cơ hội này để tuyên truyền về các cáo buộc gian lận bầu cử.

Theo BBC, nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa lo ngại những tuyên bố vô căn cứ này chẳng những sẽ không giúp ích gì cho ông Trump mà còn ảnh hưởng xấu tới kết quả của hai ứng viên David Perdue và Kelly Loeffler vì nhiều cử tri sẽ mất niềm tin vào hệ thống bầu cử và sẽ không đi bỏ phiếu.

Ông Trump cũng liên tục chỉ trích và yêu cầu Thống đốc Brian Kemp và Tổng Thư kí Brad Raffensperger của Georgia phải từ chức vì làm trái ý tổng thống trong quá trình kiểm phiếu và chứng nhận kết quả bầu cử 3/11.

Cả ông Kemp và ông Raffensperger đều là đảng viên Cộng hòa. Do vậy, những lời công kích của ông Trump có thể gây mất lòng nhiều cử tri trong đảng.

Mới đây, đương kim tổng thống còn đặt hai ứng viên thượng nghị sĩ của Georgia vào thế khó xử khi ông đột ngột phản đối dự luật cứu trợ kinh tế khẩn cấp và đòi nâng gói phát tiền mặt từ 600 USD lên 2.000 USD/người.

Cả ông Perdue và bà Kelly đều đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật cứu trợ ban đầu với nội dung phát cho mỗi người dân 600 USD. Sau tuyên bố bất ngờ của ông Trump, cả hai lại vội vã bày tỏ ủng hộ đề xuất phát 2.000 USD/người.

Tuy nhiên, ông Perdue và bà Kelly dường như chỉ muốn lấy lòng ông Trump và đội quân ủng hộ đông đảo của tổng thống chứ không thật tâm muốn tăng cường hỗ trợ cho người dân Mỹ. Bằng chứng là cả hai ông bà đều không đứng ra yêu cầu Thượng viện bỏ phiếu riêng rẽ về dự luật phát tiền mặt 2.000 USD.

Ứng viên Đảng Dân chủ Jon Ossoff nhanh chóng chớp cơ hội này để chỉ trích đối thủ: "Ông ta [David Perdue] không hề thật tâm. Ông ta chỉ là một chính trị gia rẻ tiền sẵn sàng nói bất cứ thứ gì với hy vọng tái đắc cử".

Sau khi khiến chính trường náo loạn vì tuyên bố phản đối vào phút chót, ông Trump lại đột ngột ký thông qua dự luật cứu trợ kinh tế khẩn cấp với điều khoản phát 600 USD/người. Ông Perdue và bà Kelly một lần nữa bị hớ khi ủng hộ đề xuất 2.000 USD.

Thời thế dần đổi thay

Đa số bang ở Mỹ chọn thượng nghị sĩ là người có số phiếu bầu nhiều nhất, không cần quá 50%. "Phong tục" bầu cử lần 2 ở Georgia xuất phát từ tư tưởng phân biệt chủng tộc và kỳ thị người da màu của vùng đất phương nam này.

Năm 1963, một chính trị gia da trắng là Denmark Groover đã đề xuất hệ thống bầu cử hai lần sau khi ông thất bại trong cuộc chạy đua năm 1958. Groover lập luận rằng khi một ứng viên da màu tranh cử cùng nhiều nghị sĩ da trắng, gần như tất cả cử tri da màu sẽ bỏ phiếu cho ứng viên duy nhất cùng chủng tộc với mình. Ngược lại, số phiếu của các cử tri da trắng lại bị phân tán cho nhiều ứng viên khác nhau.

Nếu cứ chọn người có nhiều phiếu nhất thắng cử thì ứng viên da màu sẽ có ưu thế lớn. Nếu chọn hai ứng viên dẫn đầu vào vòng bầu cử lần 2, số phiếu của ứng viên da màu sẽ gần như không đổi trong khi ứng viên da trắng sẽ nhận được thêm khá nhiều phiếu do không cần phải chia sẻ với các ứng viên da trắng khác.

Kịch bản bầu cử năm nay giống hệt như kịch bản mà Denmark Groover vẽ ra: Ứng viên da màu Raphael Warnock (Đảng Dân chủ) chạy đua với nhiều ứng viên da trắng và giành nhiều phiếu nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, tuy nhiên vẫn chưa đủ 50%. Trong vòng bỏ phiếu thứ 2, ứng viên da trắng Kelly Loeffler được kỳ vọng sẽ cải thiện kết quả.

Tuy nhiên, làn gió chính trị tại Georgia hiện nay đã bắt đầu đổi chiều. Liên tiếp trong các cuộc bầu cử tổng thống từ 1992 đến 2016, cử tri Georgia đều bầu cho ứng viên Đảng Cộng hòa, nhưng trong cuộc bầu cử 2020, Georgia lại ngả về phía đại diện Đảng Dân chủ Joe Biden.

Theo Reuters, chỉ riêng số cử tri Georgia đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ lần 2 năm nay (2,5 triệu) đã vượt quá kỉ lục tổng số phiếu bầu lần 2 trong quá khứ.

Việc số cử tri đi bỏ phiếu sớm cao đột biến là một dấu hiệu đáng mừng cho các ứng viên Ossoff và Warnock do những người đi bầu sớm và bầu qua thư thường đứng về phía Đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã kết thúc được hai tháng và ông Biden là người chiến thắng, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng các chính sách của ông Biden sẽ cấp tiến hay trung dung, táo bạo hay mờ nhạt sẽ phụ thuộc nhiều vào cuộc chạy đua bất thường ở Georgia.

Đức Quyền - Song Ngọc