Hệ lụy tiềm tàng từ gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden
Khi lập luận ủng hộ đề xuất cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD, Tổng thống Biden và các cộng sự khẳng định hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng đây đang là thời điểm nên tung ra kích thích lớn.
Song, một số nhà kinh tế nổi tiếng và cựu quan chức đã đặt câu hỏi về quy mô gói cứu trợ. Các nhà quan sát trên thị trường tài chính cũng có cùng thắc mắc.
Những cái tên nổi bật có thể kể đến như ông Larry Summers - Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton kiêm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama và ông Douglas Holtz-Eakin - cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).
Họ không phản đối rằng Mỹ cần thêm kích thích tài khóa, nhưng lại nhấn mạnh tác hại tiềm tàng nếu chính phủ liên bang chi tiêu ngân sách quá mức. Về mặt kinh tế, kích thích lớn đồng nghĩa rằng rủi ro lạm phát và bong bóng thị trường chứng khoán có thể phình to.
Trên phương diện chính trị, gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ có thể khiến Quốc hội Mỹ chần chừ không muốn đưa ra các chính sách tài khóa mới để giải quyết những ưu tiên dài hạn của đất nước như đầu tư cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu hôm 5/2, ông Biden đã cố gắng xoa dịu mối lo trên.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ nói: "Một số nhà lập pháp trong Quốc hội tin chúng ta đã làm đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Số khác nghĩ tình hình đã tốt lên, chúng ta có thể tạm thở phào nhẹ nhõm, làm ít hoặc không cần làm gì thêm. Tuy nhiên, đó không phải là những gì tôi đang thấy. Tôi chứng kiến ngoài kia người dân đang đau khổ vô cùng".
Theo Bloomberg, khoảng 10 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp vì ảnh hưởng của đại dịch. Gần 40% số người thất nghiệp đã mất việc từ 27 tuần trở lên. Diễn biến khó đoán của dịch bệnh và kế hoạch tiêm chủng vắc xin đang tiếp tục cản trở hoạt động tuyển dụng và kinh doanh trên cả nước.
Đằng sau thái độ hoài nghi về quy mô đề xuất cứu trợ của Tổng thống Biden là một phép toán đơn giản.
Theo số liệu của CBO, chênh lệch sản lượng kinh tế (tức mức chênh lệch giữa quy mô thực của nền kinh tế so với trong kịch bản nền kinh tế không chịu thiệt hại của đại dịch) đang bị âm khoảng 665 tỷ USD trong quý IV/2020. Gói cứu trợ của ông Biden có giá trị gấp gần ba lần mức thâm hụt trên.
Hai bờ chiến tuyến
Chia sẻ trên Bloomberg Television và trong bài bình luận cho Washington Post, cựu Bộ trưởng Larry Summers đồng ý với các quan chức chính quyền Biden rằng rủi ro khi tung kích thích lớn không đáng là bao so với rủi ro khi cứu trợ khiêm tốn.
Ngoài ra, ông Summers cũng thừa nhận nền kinh tế Mỹ đáng lẽ sẽ hoạt động tốt hơn nếu chính quyền ông Obama thông qua được gói kích thích tài khóa lớn hơn vào năm 2009, thay vì gói chi tiêu và giảm thuế trị giá 787 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Summers lập luận rằng chính quyền ông Biden cần phải nhận thức rõ rủi ro mà họ phải đối mặt khi theo đuổi kế hoạch tham vọng 1.900 tỷ USD.
"Nếu kích thích kinh tế vĩ mô ở quy mô gần với mức Thế chiến II thay vì các thời kỳ suy thoái trước, chúng ta có thể gây ra áp lực lạm phát chưa từng thấy trong đời", ông Summers viết trên Washington Post.
"Tôi e là ở thời điểm hiện tại, kiềm chế lạm phát bùng nổ mà không gây ra suy thoái có thể còn khó khăn hơn so với trước đây", cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục.
Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen thừa nhận lạm phát tăng quá nhanh là một rủi ro mà chính phủ cần xem xét. Tuy nhiên, bà lập luận rằng các nhà hoạch định chính sách có đủ công cụ để đối phó nếu lo ngại này thành hiện thực.
Thay vì lo khối nợ công sẽ tăng vọt vì kế hoạch cứu trợ của Tổng thống Biden, ông Summers e ngại rằng việc thông qua đề xuất 1.900 tỷ USD có thể làm giảm động lực chính trị của các nhà lập pháp, khiến họ không muốn chi tiêu mạnh tay hơn cho các vấn đề cốt lõi như thiếu hụt đầu tư công.
Phản hồi trên CBS, bà Yellen nhắc lại rằng chính quyền Tổng thống Biden cam kết sẽ giải quyết các vấn đề dài hạn như trên trong một gói chi tiêu khác.
Quan điểm của thị trường
Ít nhất là cho đến nay, các nhà đầu tư dường như không quá lo lắng về rủi ro lạm phát. Theo giao dịch trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ, giới đầu tư dự đoán lạm phát trung bình trong thập kỷ tới sẽ rơi vào khoảng 2,2%. Dù tăng mạnh so với mức trước đại dịch (0,55% hồi tháng 3/2020), con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với các mốc trong lịch sử.
Cựu Giám đốc CBO Holtz-Eakin đồng ý rằng lạm phát không phải mối quan tâm lớn lúc này. Theo Bloomberg, nguy cơ bất ổn tài chính mới là vấn đề khiến ông Holtz-Eakin quan tâm.
Khi chính phủ bơm lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế, giá chứng khoán và các tài sản khác sẽ tăng lên mức không bền vững, đẩy thị trường tài chính vào nguy cơ sụp đổ. Đó chính là kịch bản từng xảy ra năm 2000 với giá cổ phiếu và năm 2007 với bất động sản.
Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư. Ông Powell đánh giá rủi ro với tính ổn định của thị trường tài chính là "vừa phải".
Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường không lạc quan như Chủ tịch Fed, đặc biệt là khi giá cổ phiếu tăng gần như liên tục trong những tháng gần đây. "Khi thị trường lạc quan quá mức như hiện nay, bong bóng chắc chắn sẽ vỡ trong vài tháng tới chứ không phải vài năm", ông Jeremy Grantham - nhà sáng lập công ty quản lý tài sản GMO, nhận định.
Ông Peter Hooper - cựu quan chức Fed và hiện là Kinh tế trưởng của Deutsche Bank - đã đề cập đến một số tác động tích cực của gói cứu trợ nghìn tỷ USD lên nền kinh tế, song ông vẫn cảnh báo về các rủi ro tiềm tàng "lạm phát không mong muốn, nợ quốc gia tăng vọt và chia rẽ chính trị bị khoét sâu".