|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yếu tố bất ngờ ngáng đường gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden

17:15 | 05/02/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đang lóe lên một số dấu hiệu phục hồi sau cả năm dài phong tỏa. Tuy nhiên, sự khởi sắc này có thể làm xáo trộn kế hoạch cứu trợ COVD-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Bloomberg cho biết, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ đã giảm liên tiếp hai tuần, trong khi số liệu việc làm tháng 1 được cho là sẽ phục hồi so với mốc tháng 12 năm ngoái. Cũng trong tháng 1, tăng trưởng của các công ty trong lĩnh vực dịch vụ đột ngột leo lên mức đỉnh gần hai năm. Và các công ty xây dựng nhà ở cho biết nhu cầu hiện vẫn ổn định.

Các bộ dữ liệu tần số cao như chỉ số tâm lý người tiêu dùng hàng tuần và lượt đặt chỗ nhà hàng cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần cải thiện, khi số ca lây nhiễm COVID-19 giảm và lệnh hạn chế kinh doanh được nới lỏng.

Yếu tố bất ngờ ngán đường gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden - Ảnh 1.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế Mỹ từ từ khởi sắc".

Chuyển biến tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra vừa lúc gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ của tân Tổng thống Joe Biden vấp phải sự phản đối từ một số nhà lập pháp. Họ đặt câu hỏi liệu Mỹ có cần nhiều hỗ trợ đến thế sau hơn 3.000 tỷ USD mà chính quyền liên bang đã phân phát hoặc cam kết phân phát cho người dân.

Báo cáo việc làm

Bản cập nhật quan trọng tiếp theo về nền kinh tế Mỹ là báo cáo việc làm tháng 1, công bố ngày 5/2 (theo giờ Mỹ). Dự báo của các nhà kinh tế về thị trường lao động Mỹ rất khác nhau, từ giảm 250.000 đến tăng 400.000 việc làm.

Theo ước tính trung vị do Bloomberg tổng hợp, nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 70.000 việc làm trong tháng 1 sau khi mất 140.000 việc làm trong tháng 12 năm ngoái. Tháng 11, số liệu việc làm ghi nhận mức tăng 336.000.

Hôm 3/2, dữ liệu riêng từ Viện Nghiên cứu ADP cho thấy các doanh nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm hơn so với dự báo tháng 1. Theo nhà kinh tế trưởng Lou Crandall của công ty tư vấn Wrightson ICAP, dữ liệu chính thức có thể chênh lệch một chút vì các yếu tố mùa vụ, chẳng hạn như đợt cắt giảm nhân sự ngành bán lẻ thường diễn ra trong tháng 1.

Bà Michelle Meyer, chuyên gia cấp cao của Bank of America, nhận định nếu số liệu việc làm tháng 1 khả quan hơn, tính cấp thiết của một gói kích thích lớn sẽ giảm bớt.

Dù vậy, bà Meyer cảnh báo rằng, triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi các biến thể mới và dễ lây lan hơn đã xuất hiện tại Mỹ.

Kích thích to hay nhỏ?

Theo Bloomberg, nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang được hưởng lợi từ gói cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỷ USD mà Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ do Bank of America tổng hợp cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên.

Hai nhà kinh tế học Aneta Markowska và Thomas Simons của ngân hàng đầu tư Jefferies xem tháng 2 năm nay là "điểm uốn" của nền kinh tế Mỹ, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ khởi sắc trở lại sau khi lao dốc từ mức cao kỷ lục 33,4% trong quý III xuống còn 4% trong quý IV/2020.

Đầu tuần này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) nhận thấy GDP của Mỹ phục hồi từ đại dịch COVID-19 nhanh hơn nhiều so với dự đoán, ngay cả trước khi có thêm gói kích thích từ chính phủ liên bang. CBO dự báo sau khi thu hẹp 3,5% trong năm 2020, GDP của Mỹ sẽ tăng 4,6% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1999.

GDP thường niên của Mỹ hiện rơi vào khoảng 21,5 nghìn tỷ USD. Nếu gói kích thích 1.900 tỷ USD của ông Biden được phê duyệt, tổng mức hỗ trợ của chính phủ cho nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch sẽ tương đương khoảng 25% GDP thường niên.

Trong khi ở thời điểm nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đương khoảng 10% GDP thường niên.

"Các chuyên gia nói nền kinh tế Mỹ vẫn còn cần hỗ trợ. Vấn đề bây giờ là bạn muốn hỗ trợ bao nhiêu", ông Peter Hooper, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsbank cho hay.

Yếu tố bất ngờ ngán đường gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden - Ảnh 2.

Các quan chức chính quyền ông Biden đang nêu cao lợi ích của một gói cứu trợ lớn. Họ chỉ ra thiệt hại của đại dịch COVID-19: Số lao động Mỹ có việc làm hiện nay thấp hơn 10 triệu so với khi dịch bệnh bùng phát một năm trước. Theo các quan chức này, đây không phải lúc để chi tiêu dè dặt.

Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, chia sẻ trên truyền hình: "Chia nhỏ gói cứu trợ không phải là công thức đi đến thành công".

Những nhân vật ủng hộ đề xuất nghìn tỷ USD của ông Biden khẳng định, kích thích tài khóa sẽ giúp hạn chế thiệt hại dài hạn lên nền kinh tế bằng cách khôi phục GDP và đưa thị trường việc làm về mức trước đại dịch nhanh chóng hơn.

Lập luận ủng hộ một kế hoạch cứu trợ nhỏ hơn, cựu Giám đốc CBO Doughlas Holtz-Eakin cho rằng thứ đang kìm hãm nền kinh tế Mỹ chính là virus chứ không phải do người tiêu dùng thiếu tiền. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân duy trì ở mức 13,7% vào tháng 12, cao hơn hai lần so với mức trung bình kể từ năm 2000.

"Nếu tỷ lệ tiết kiệm của người dân lại nhảy vọt, họ sẽ làm gì tiếp theo?", ông Holtz-Eakin đặt câu hỏi. "Liệu người dân sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu GameStop?"

Hầu hết các nhà kinh tế trên Phố Wall đều dự đoán Quốc hội sẽ chỉ thông qua một phần chứ không phải toàn bộ đề xuất 1.900 tỷ USD của ông Biden. Tuy nhiên, chỉ cần một phần cũng đủ để kích thích GDP trong vài quý tới.

Khả Nhân