Những uẩn khúc về GameStop: Không đơn giản là nhỏ lẻ vây đánh cá mập
Bán khống là gì?
Hai mô hình kiếm tiền cơ bản nhất trên thị trường chứng khoán là: 1) mua giá thấp rồi bán giá cao và 2) bán giá cao rồi mua lại giá thấp.
Mô hình thứ nhất là việc quen thuộc mà các nhà đầu tư Việt Nam vẫn (cố gắng) làm trong hơn 20 năm qua. Mô hình thứ 2 có tên là "bán khống" (tiếng Anh là short sell) và chỉ có ở các thị trường nước ngoài phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, …
Bán khống là hành động đi vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu. Sau khi trả phí vay cổ phiếu, người bán khống có thể sẽ có lãi.
Nếu giá tăng, bên bán khống chắc chắn bị lỗ. Người bán khống có thể cắt lỗ bằng cách đi mua cổ phiếu để trả lại hàng đã vay, qua đó đóng vị thế short. Hoặc người bán khống có thể gồng lỗ bằng cách nạp thêm tiền vào tài khoản. Số tiền này có thể là khoản dự trữ sẵn có hoặc đến từ việc bán bớt các cổ phiếu khác trong danh mục.
Ví dụ: Một người đi vay cổ phiếu rồi bán với giá 50.000 đồng/cp. Sau vài tháng, giá giảm còn 15.000 đồng/cp, người này đi mua rồi trả lại số cổ phiếu đã vay cộng với phí 5.000 đồng/cp. Tổng cộng người này có lãi 30.000 đồng/cp.
Nếu giá tăng lên thành 80.000 đồng/cp, sau khi tính cả phí vay, người này sẽ lỗ 35.000 đồng/cp.
GameStop làm gì?
GameStop là doanh nghiệp bán lẻ đồ điện tử tiêu dùng và thiết bị chơi game. Khoảng 20 năm trước, giới trẻ Mỹ thường tìm đến các cửa hàng GameStop để mua đĩa cài và máy chơi PlayStation hay Xbox.
Dần dần, các hãng game chuyển sang phát hành sản phẩm thông qua download từ mạng Internet thay cho đĩa CD, DVD. Vì vậy, nhu cầu đối với GameStop giảm dần, kết quả làm ăn của công ty ngày một sa sút.
Năm 2017, công ty có doanh thu xấp xỉ 8 tỷ USD, lợi nhuận thuần 353 triệu USD. Năm 2019 và 2020, GameStop lỗ lần lượt 673 triệu và 471 triệu USD. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quỹ đầu cơ coi GameStop là một con mồi dễ dàng trong cuộc chơi bán khống.
Giả sử A sở hữu 100 cổ phiếu và cho B vay số cổ phiếu này để B bán khống, C mua 100 cổ phiếu từ B rồi lại cho D vay để bán khống, … như vậy một cổ phiếu có thể được sở hữu bởi nhiều người và bán khống bởi nhiều người. Về lý thuyết, tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống trên tổng số cổ phiếu mà công ty phát hành ra có thể vượt mốc 100%, dù trường hợp này ít xảy ra trong thực tế.
GameStop đang là một trong những cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ với tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống trên số cổ phiếu lưu hành là 113%. Chi phí vay cổ phiếu GameStop để bán khống có thể lên tới 30 - 50%/năm.
Ai đang đánh ai?
Tháng 1 vừa qua, các nhà đầu tư cá nhân tham gia diễn đàn WallStreetBets ở mạng xã hội Reddit hô hào nhau đẩy giá cổ phiếu GameStop "tăng như tên lửa lên tới Mặt Trăng". Các nhà đầu tư này đều tuyên bố "tất tay" vào các cổ phiếu bị bán khống mạnh như GameStop, AMC … nhằm dồn các quỹ đầu cơ lớn của Phố Wall vào chân tường.
Tất nhiên, WallStreetBets chỉ là một diễn đàn mạng và không ai biết chính xác các thành viên ở đây đã mua bao nhiêu cổ phiếu GameStop, có "tất tay" thật hay không. Theo những gì được trao đổi trong diễn đàn thì các thành viên muốn các gã khổng lồ Phố Wall không những "rơi lệ" mà còn phải "đổ máu", tức là không chỉ thua lỗ mà có thể phải khuynh gia bại sản.
Một số người mạnh bạo tuyên bố rằng thành công của WallStreetBets không được đo bằng số tiền mà thành viên kiếm về mà đo bằng số lỗ mà các quỹ đầu cơ bán khống phải chịu. Các nhà đầu tư cá nhân này coi cuộc chiến của mình mang màu sắc chính nghĩa và vinh quang, giúp người yếu thế (GameStop) chống lại bọn cường hào ác bá (các quỹ đầu cơ bán khống).
Trước đây, các quỹ đầu cơ sau khi nắm vị thế short với cổ phiếu của một công ty thường công bố một báo cáo giải thích lý do bán khống của mình, nội dung chủ yếu là kể lể các "thói hư tật xấu" của doanh nghiệp nhằm thuyết phục người khác cùng bán khống và đè giá cổ phiếu xuống.
Từ sau cuộc nổi dậy của WallStreetBets với cổ phiếu GameStop, phe bán khống đã tỏ ra im ắng hơn trước rất nhiều vì lo sợ nếu công bố vị thế short thì ngày hôm sau sẽ có một đội quân nhỏ lẻ đổ bộ và thổi giá cổ phiếu lên. Thông điệp của WallStreetBets là rất rõ ràng: Những ngày kiếm chác dễ dàng của các quỹ đầu cơ đã không còn nữa.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, anh Chris Matis – một người trẻ tuổi đầu tư vào GameStop – chia sẻ: "Tôi không quan tâm tới tiền bạc, tôi có thể sẽ trắng tay nhưng tôi vẫn thích những gì đang diễn ra với GameStop".
Những nhân tố bí ẩn
Giới truyền thông thường thích mô tả GameStop là chiến địa sinh tử giữa một bên là đám cá nhỏ hung hãn với bên kia là những con cá mập thiện chiến, và tuy phe "nhỏ lẻ" đang tạm thời chiếm ưu thế nhưng "nhà cái" cũng không dễ gì buông xuôi.
Dù vậy, không có thống kê đáng tin cậy nào về giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân liên quan tới GameStop.
Nếu đọc WallStreetBets thì sẽ thấy những lời kêu gọi hùng hồn thể hiện tinh thần quyết chiến đến "khô máu", nhưng liệu những người dùng này có thực sự tham gia thị trường chứng khoán không? Có mua cổ phiếu GameStop thật không? Mua bao nhiêu? Có đủ để đánh bật các quỹ bán khống và đẩy giá tăng 1.625% trong một tháng không?
Chỉ tính trong ba phiên 22, 25, 26/1 có tổng cộng 553 triệu cổ phiếu GameStop được giao dịch, tổng giá trị khoảng 53 tỷ USD.
Nhiều hãng truyền thông dẫn nguồn tin riêng về việc một quỹ đầu cơ quy mô 12,5 tỷ USD là Melvin Capital đã đóng vị thế short cổ phiếu GameStock sau giai đoạn tăng nóng và chấp nhận lỗ 53% trong tháng 1. Tuy vậy cũng không có cách nào để xác thực thông tin này và nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cáo buộc giới truyền thông đang đưa tin sai lệch để bảo vệ Phố Wall.
Trao đổi với CNBC, ông Bart Zhou Yueshen, Phó Giáo sư tài chính tại Đại học INSEAD nhận định: "Căn cứ vào khối lượng giao dịch tuần vừa qua, tôi không tin chỉ có nhà đầu tư cá nhân đang đẩy giá cổ phiếu GameStop lên. Cũng khó có chuyện các nhà đầu tư tổ chức đứng ngoài cuộc. Các định chế lớn đâu có ngu, họ thấy cơ hội kiếm tiền và sẽ nhảy vào kiếm lợi ngay".
Một lực lượng đáng chú ý rất có thể đã tham gia cuộc chơi GameStop là các thuật toán giao dịch tự động. Việc xây dựng các phần mềm này rất tốn kém và thường chỉ có các định chế tài chính lớn mới kham nổi. Các thuật toán theo dõi toàn bộ thị trường để tìm kiếm cơ hội. Khi thấy một cổ phiếu bắt đầu xu hướng tăng, thuật toán sẽ đổ tiền vào khiến cho giá cổ phiếu tăng thật, tạo nên một "lời tiên tri tự thành" (self-fulfilling prophecy).
Một kịch bản khả thi là các nhà đầu tư cá nhân ở WallStreetBets ban đầu mua vào và đẩy giá cổ phiếu lên cao, các thuật toán giao dịch cũng lao vào mua, khuếch đại và duy trì xu hướng tăng của GameStop.
Hợp đồng quyền chọn (option) cũng là một nhân tố tác động tới giá cổ phiếu. Nhà đầu tư mua quyền chọn mua (call option) sẽ có quyền (không có nghĩa vụ) mua cổ phiếu trong tương lai tại một mức giá được định trước, chẳng hạn 200 USD/cp. Nếu giá thực tế trong tương lai là 350 USD/cp, người có quyền chọn mua sẽ có lãi gộp 150 USD (chưa trừ phí giao dịch và giá mua quyền chọn).
Việc nhà đầu tư đổ xô mua quyền chọn mua GameStop cho thấy nhiều người kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ tăng. Bên bán quyền chọn mua sẽ phải rào chắn rủi ro bằng cách mua vào cổ phiếu từ trước, phòng trường hợp giá trong tương lai lên quá cao. Nhu cầu mua vào tăng lại đẩy giá tăng lên thật.
Làm sao phải hốt?
Giá GameStop và nhiều cổ phiếu bị bán khống khác tăng sốc gây ra thua lỗ nặng cho các quỹ nắm vị thế short. Theo ước tính của công ty phân tích thị trường Ortex, tính đến cuối tuần trước, các quỹ bán khống GameStop đã lỗ tổng cộng gần 20 tỷ USD. Để gồng lỗ, các quỹ này có thể phải bán cả các cổ phiếu khác, gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa trên toàn thị trường.
Việc một công ty đang làm ăn thua lỗ như GameStop lại thu hút dòng tiền khủng và có giá cổ phiếu tăng hàng chục lần trong một tháng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nguy cơ bong bóng tương tự như cuộc khủng hoảng công nghệ "dotcom".
Cuối thập niên 1990 - đầu 2000, giá cổ phiếu các công ty có chữ Internet hay ".com" trong tên gọi đều tăng phi mã, bất kể đang làm ăn ra sao.
Hiện nay, giá các cổ phiếu bị bán khống đồng loạt lên cao bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ. Một cổ phiếu khai khoáng tại Australia có mã giao dịch GME (giống với mã cổ phiếu GameStop tại Mỹ) nhảy vọt 60% trong phiên 28/1.
Bong bóng luôn tan vỡ, đó là chân lý muôn đời không bao giờ thay đổi.
Robinhood bảo vệ người giàu, chống lại người nghèo?
Robinhood là ứng dụng giao dịch chứng khoán không thu phí, được nhiều nhà đầu cá nhân trẻ ưa thích, đặc biệt là từ khi bùng phát COVID-19. Nhiều người đầu tư vào GameStop cũng sử dụng Robinhood.
Trong một tuần qua, Robinhood đã hai lần hạn chế giao dịch đối với GameStop, mỗi người chỉ được phép mua một đơn vị cổ phiếu và 5 hợp đồng quyền chọn. Cầu bị bóp nghẹt khiến giá cổ phiếu cắm đầu rơi. Lần đầu vào ngày 28/1, GameStop lao dốc 44%. Lần sau vào ngày 1/2, GameStop giảm gần 31%.
Robinhood giải thích rằng giá cổ phiếu GameStop biến động quá mạnh nên việc xử lý giao dịch cổ phiếu này có quá nhiều rủi ro, trung tâm thanh toán bù trừ đã nâng yêu cầu ký quỹ đối với GameStop lên cao gấp 10 lần trước, nhu cầu vay margin của nhà đầu tư cũng rất lớn nên Robinhood không đáp ứng được.
Trong hai ngày tạm ngừng giao dịch nói trên, nền tảng này đã huy động tổng cộng 3,4 tỷ USD từ các cổ đông, chưa kể số tiền vay ngân hàng, để đáp ứng nhu cầu xuất phát từ giao dịch GameStop.
Tuy nhiên các nhà đầu tư WallStreetBets cáo buộc Robinhood đang can thiệp thị trường để bảo vệ các quỹ lớn của Phố Wall. Việc hạn chế mua vào sẽ khiến giá giảm, bên bán khống sẽ được lợi.
"Nếu SEC điều tra WallStreetBets thì Robinhood cũng phải bị điều tra. Thị trường công khai và tự do, tôi thích mua bán gì bằng tiền của tôi cũng được. Tại sao Robinhood lại có thể chọn ra cổ phiếu này cổ phiếu kia rồi cấm chúng tôi giao dịch?", nhà đầu tư Eli Shover chia sẻ với BBC.
"Việc Robinhood cấm nhà đầu tư mua cổ phiếu GameStop là ví dụ rõ ràng nhất về hành vi thao túng thị trường", nhà đầu tư Chris Matis nói.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren gọi quyết định hạn chế giao dịch của Robinhood là "sai trái rõ ràng" và "Robinhood đang cố giúp các quỹ đầu cơ nhưng giả vờ là đang giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ".
Tiêu chuẩn kép
Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang cảm thấy hệ thống pháp lý có hai bộ luật khác nhau, một bộ áp dụng cho các cá mập Phố Wall và một bộ dùng cho giới đầu tư nhỏ lẻ.
Khi Phố Wall buôn bán điên đảo và kiếm lợi khủng, không có ai đứng ra đòi điều tra hay hạn chế giao dịch. Nhưng khi các nhà đầu tư cá nhân tham chiến và đẩy Phố Wall rơi vào thế khó, nhiều chuyên gia và nhà phân tích lại đề nghị điều tra dấu hiệu vi phạm luật chứng khoán, các hãng tin đồng loạt cảnh báo nguy cơ bong bóng còn nền tảng môi giới thì hạn chế mua vào.
"Khi bong bóng bất động sản phồng to trên Phố Wall, sao không có ai đứng ra cảnh báo gì? Đó là bởi bọn họ đang bận đút túi những khoản lợi nhuận kếch sù và chẳng thèm quan tâm gì nữa. Giờ đây khi túi tiền của họ bị chọc thủng, Phố Wall bắt đầu kêu gào và cáo buộc 'thao túng thị trường'", một người dùng mạng nói. "Nếu đã quản lý giao dịch chứng khoán thì phải quản lý cả nhà đầu tư cá nhân lẫn các quỹ đầu cơ".