|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phe bán khống cần chiến lược chọn cổ phiếu mới sau loạn chiến GameStop

19:31 | 23/02/2021
Chia sẻ
Trong 10 năm trở lại đây, con mồi ưa thích của phe bán khống là những công ty làm ăn bết bát trong môi trường kinh tế tăng trưởng chậm. Nhưng với tiến độ triển khai vắc xin COVID-19 được đẩy nhanh và chính phủ nhắm đến gói cứu trợ nghìn tỷ USD mới, những mục tiêu cũ lại trở thành khoản đặt cược tồi tệ.
Trận chiến GameStop báo hiệu đội bán khống cần chiến lược chọn cổ phiếu mới - Ảnh 1.

Tay bán khống sừng sỏ trên Phố Wall Andrew Left thừa nhận lỗ 100% khi bán khống GameStop. (Ảnh minh họa: II/Institutional Investor).

Đà tăng lịch sử của những cổ phiếu bị bán khống mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước không chỉ xoay quanh Reddit, Robinhood và GameStop. Tình thế khốn đốn của phe bán khống có thể còn liên quan tới kết quả cuộc đua Thượng viện ở Georgia.

Tác động của việc Đảng Dân chủ giành được thế đa số nhỏ tại Thượng viện tới triển vọng chính sách tài khóa và tăng trưởng có thể đã đập tan chiến lược bán khống cổ phiếu những công ty phải vật lộn trong môi trường tăng trưởng thấp -  ít nhất là trong hiện tại.

Theo Bloomberg, các nhà kinh tế đang dự báo GDP Mỹ năm 2021 có thể tăng tới hơn 5%. Các cổ phiếu ì ạch trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng trung bình 2-3% một năm có thể sẽ có hiệu suất tốt nếu tốc độ tăng trưởng đạt 5% hoặc hơn. Với việc Quốc hội Mỹ xem xét chi thêm hàng nghìn tỷ USD để thúc đẩy kinh tế, đội bán khống có thể sẽ cần chiến lược mới để thành công.

Chiến lược nào mang đến thành công cho phe bán khống thay đổi tùy thuộc vào môi trường tổng thể của thị trường. Đầu những năm 2000, người bán khống kiếm lời lớn từ những cổ phiếu công nghệ có định giá quá cao và cả các công ty có phương thức kế toán gian dối như Enron.

Trong nửa sau của thập niên 2000, mục tiêu phe bán khống nhắm đến là những công ty có liên quan với thị trường tín dụng và nhà đất. Cuốn sách The Big Short của Michael Lewis (về sau được chuyển thể thành bộ phim cùng tên) đã kể chi tiết về việc một số ít nhà đầu tư bán khống các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) trước cuộc khủng hoảng 2008.

Trong thập niên vừa qua, chiến lược phổ biến nhất cho đội bán khống là đặt cược chống lại những kẻ thua cuộc do sự gián đoạn công nghệ: Các nhà bán lẻ truyền thống mất thị phần vào tay các gã khổng lồ thương mại điện tử, nhà sản xuất dầu khí bị dồn vào thế khó trước các nguồn năng lượng tái tạo, ngành dịch vụ tài chính truyền vừa chịu cạnh tranh gay gắt trước những công ty fintech mới như Paypal vừa phải vật lộn với lãi suất thấp.

Thực chất mọi canh bạc trên đều là các khoản đặt cược vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, nhà bán lẻ chiến bại sẽ trở thành công ty trì trệ nhưng ổn định, doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi từ giá năng lượng tăng, ngân hàng thu lợi từ lãi suất cao hơn và tăng trưởng tín dụng.

Trận chiến GameStop là tin tức chấn động thị trường Mỹ, nhưng thực chất những cổ phiếu bị bán khống mạnh này đã tăng giá trong một khoảng thời gian nhờ dự đoán về kinh tế tăng tốc, sự ra đời của vắc xin COVID-19 và kỳ vọng về gói cứu trợ khổng lồ của chính quyền Biden.

Cuộc chơi đã khác trước

Trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng COVID-19 của Mỹ tiến tới gần 2 triệu liều mỗi ngày, Quốc hội xem xét gói cứu trợ gần 2.000 tỷ USD và khả năng về gói kích thích cơ sở hạ tầng nghìn tỷ USD khác, môi trường tăng trưởng kinh tế có thể sẽ trở nên vô cùng vững mạnh, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Trong môi trường tích cực như vậy, một công ty kém cũng có thể đạt được lợi nhuận đáng kể. Điều này khiến việc bán khống cổ phiếu dựa trên giả định kinh tế tăng trưởng chậm trở thành nước đi nguy hiểm.

Người bán khống cần chiến lược mới. Có thể điều này có nghĩa là để mắt đến hàng chục công ty mới niêm yết có khả năng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thành công ty đại chúng. Hoặc nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến, một số công ty có thể rơi vào rắc rối và mang lại cơ hội bán khống. Có thể tác động của kích thích tài khóa sẽ hết vào cuối năm nay, tạo cơ hội cho phe bán khống triển khai lại chiêu bài tăng trưởng chậm vào năm 2022.

Nhưng miễn là có nhiều khả năng Mỹ sẽ đạt tăng trưởng kinh tế lịch sử và nhận được với lượng kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ trong năm 2021, những tay bán khống sẽ cần phải suy nghĩ lại. Toàn bộ bộ máy chính sách của Washington đang dốc sức đảm bảo rằng việc đặt cược vào tăng trưởng chậm sẽ thất bại.

Giang