Bài học lớn nhất từ GameStop: Nền kinh tế rất mong manh nếu phụ thuộc vào thị trường chứng khoán
Truyền thông Mỹ liên tục tranh luận rằng liệu trận chiến GameStop là kết quả của đám đông bất hợp pháp hay những nhà đầu tư nhỏ lẻ chân chính đấu tranh chống lại hệ thống tài chính sai trái.
Quyết định của ứng dụng giao dịch Robinhood nhằm ngăn cản khách hàng nhỏ lẻ mua GameStop trong lúc các quỹ đầu cơ mặc sức tung hoành đã biến sự kiện này thành câu chuyện về anh chàng tí hon David và gã khổng lồ Goliath.
Nhưng câu chuyện trên được xây dựng dựa trên ý tưởng sai lầm là thị trường chứng khoán Mỹ đã được "dân chủ hóa" và những nhà đầu tư nhỏ lẻ là đại diện của phiên bản chủ nghĩa tư bản toàn diện hơn trước đây.
Hoàn toàn không. Thị trường và dân chủ không phải là một, dù hầu hết các chính trị gia Mỹ hành động như thể chúng giống nhau kể từ thập niên 1980. Giai đoạn này được đánh dấu bởi việc dỡ bở các quy định kiểm soát thị trường, tăng cường can thiệp của ngân hàng trung ương thông qua chính sách tiền tệ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản vì cổ đông (shareholder capitalism).
Sự thịnh vượng của kinh tế Mỹ vốn được đo lường bởi việc làm đảm bảo và tăng trưởng thu nhập. Nhưng những sự kiện của thập niên 1980 đã khiến doanh nghiệp và rất nhiều người tiêu dùng coi giá tài sản không ngừng tăng là thước đo quan trọng nhất của sức khỏe nền kinh tế.
Hiện nay, lãi về vốn và các khoản phân bổ từ tài khoản hưu trí cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu tiêu dùng cá nhân đến mức kinh tế Mỹ khó có thể tiếp tục tăng trưởng nếu giá chứng khoán xảy ra sự điều chỉnh lớn.
Ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đến nền kinh tế là lý do câu chuyện GameStop khiến nhiều người sợ hãi. Người Mỹ đã được nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều phụ thuộc vào thị trường chứng khoán có khả năng biến động cực cao.
Xu hướng chuyển dịch sang "xã hội sở hữu" theo cách gọi của Tổng thống George W. Bush diễn ra vào lúc bản chất công ty và sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và xã hội cũng đang thay đổi. Tất nhiên, hai hiện tượng này cũng có mối liên quan.
Sự biến đổi của thị trường làm tăng thêm áp lực ngắn hạn cho doanh nghiệp. Về phần mình, doanh nghiệp cắt giảm chi phí bằng cách thuê ngoài, tự động hóa, bỏ phúc lợi hưu trí và thay thế bằng các kế hoạch 401k. Người lao động phải tự mình chọn khoản đầu tư và chịu rủi ro nếu thị trường lao dốc.
Năm 1989, khoảng 31% hộ gia đình Mỹ nắm giữ chứng khoán. Ngày nay con số này là gần 50%. Nhưng thật ra giờ đây, có vẻ như ai cũng là nhà giao dịch theo ngày (day trader). Một đứa trẻ 14 tuổi cũng biết giục bố "bắt đáy". Nhiều chuyên gia lo ngại thị trường đang ở trong bong bóng khổng lồ. GameStop chính là minh họa hoàn hảo cho hiện tượng này.
Nỗ lực bất thành nhằm đánh đuổi phe bán khống bằng cách đẩy giá chứng khoán lên cao của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên Reddit minh họa loạt rủi ro của thị trường.
Theo Financial Times, chính bản thân GameStop cũng minh họa bản chất của việc làm tại Mỹ đã thay đổi như thế nào.
Trong bài nghiên cứu năm 2015 của Viện Brookings, Giáo sư Jerry Davis của Đại học Michigan phát hiện rằng trong giai đoạn 2000 – 2014, công ty tạo ra nhiều việc làm nhất kể từ khi IPO là GameStop.
Lúc đó, chuỗi cửa hàng GameStop có đội quân nhân viên làm bán thời gian với mức lương dưới 8 USD/giờ, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ. Các công việc lương thấp này là "đại diện mới cho việc làm được tạo ra ở Mỹ", Giáo sư Davis viết.
Giáo sư Davis tổng kết trận chiến GameStop và những tranh cãi xung quanh: "Giải cứu một công ty trả lương cực thấp khỏi những tay bán khống không giống với cuộc giải phóng ngục Bastille khởi đầu cho Cách mạng Pháp năm 1789".
Ông nói thêm: "Việc ứng dụng giao dịch miễn phí Robinhood giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận chứng khoán hơn khác với dân chủ hóa thị trường. Dân chủ là về tiếng nói chứ không phải là chơi cổ phiếu".
Các ứng dụng và mạng xã hội dẫn đến có thêm nhiều người gia nhập thị trường chứng khoán nhưng điều này không giúp nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào chi tiêu tiêu dùng. Tiêu dùng lại phụ thuộc vào lạm phát giá tài sản và giờ đây giá tài sản có thể bị thổi phồng bởi những thiếu niên tập tành chơi chứng khoán trong phòng ngủ.
Nếu xu hướng việc làm hiện nay tiếp diễn, rất nhiều thanh thiếu niên Mỹ sẽ trở thành lao động tự do, không có mạng lưới an toàn để bảo vệ khi danh mục đầu tư của họ sụp đổ.
Bài học chính: Một nền kinh tế mà trong đó vận may của mỗi cá nhân gắn chặt với sức khỏe thị trường chứng khoán thay vì tăng trưởng thu nhập là một nền kinh tế rất mỏng manh, dễ vỡ.