|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nghi vấn app giao dịch cấu kết với quỹ lớn để hại nhà đầu tư GameStop

06:18 | 04/02/2021
Chia sẻ
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nghi ngờ việc nền tảng giao dịch Robinhood bất ngờ thay đổi quy tắc và đặt ra hạn chế với nhà đầu tư GameStop là làm theo yêu cầu từ các công ty tài chính lớn, các "cá mập" Phố Wall.
Nghi vấn app giao dịch cấu kết với quỹ lớn để hại nhà đầu tư GameStop - Ảnh 1.

Logo GameStop và màn hình hiển thị trang web Robinhood . (Ảnh: Getty Images).

Trong lá thư gửi cho ông Vlad Tenev, CEO Robinhood, Thượng nghị sĩ Warren chỉ trích công ty này vì đã "đột ngột thay đổi các quy tắc" với nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Tuần trước, Robinhood tạm thời cấm người dùng mua GameStop, AMC và các cổ phiếu khác mà nhà đầu tư trên mạng xã hội Reddit ưa thích. Lá thư của bà Warren nhấn mạnh sức ép giám sát to lớn mà Robinhood đối mặt từ mọi phía, bao gồm các nhà lập pháp, nhà quản lý và khách hàng.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 31/1, bà Warren kêu gọi Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) điều tra toàn bộ câu chuyện GameStop. Trong lá thư gửi Robinhood, bà hỏi cụ thể rằng liệu Robinhood có vi phạm quy định quản lý hay pháp luật trước hoặc trong giai đoạn biến động thị trường gần đây không.

Robinhood đã nhiều lần nói rằng họ buộc phải đặt ra các hạn chế giao dịch do sức ép tài chính. Đồng thời startup này cũng phủ nhận việc hành động theo lệnh của các ông lớn Phố Wall bị tổn thương trong trận chiến GameStop.

Nghi vấn app giao dịch cấu kết với quỹ lớn để hại nhà đầu tư GameStop - Ảnh 2.

Email Robinhood gửi cho người dùng tối 1/2 viết: "Chúng tôi không muốn ngăn mọi người mua cổ phiếu và chắc chắn chúng tôi không cố gắng giúp đỡ các quỹ đầu cơ".

Trong phiên giao dịch 2/2, Robinhood nới lỏng hạn chế giao dịch, cho phép mỗi nhà đầu tư mua tối đa 100 cổ phiếu GameStop thay vì chỉ một cổ phiếu trong ngày 1/2.

"Mâu thuẫn lợi ích"

Bà Warren cho rằng các hạn chế giao dịch "làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ của Robinhood với các công ty tài chính xử lý giao dịch". Cụ thể, bà chỉ ra mối liên kết giữa Robinhood và Citadel Securities, nhà tạo lập thị trường thuộc sở hữu của tỷ phú Ken Griffin.

Giống như các công ty môi giới chứng khoán khác, Robinhood được trả tiền để chuyển lệnh của nhà đầu tư đến các nhà tạo lập thị trường. Từ lâu hoạt động này đã gây ra nhiều tranh cãi. Citadel Securities là nguồn doanh thu lớn của Robinhood.

Quỹ Citadel cũng thuộc sở hữu của tỷ phú Griffin đã rót 2 tỷ USD cứu nguy cho Melvin Capital Management - quỹ đầu cơ bán khống GameStop. Melvin đã lỗ nặng khi đặt cược rằng GameStop sẽ giảm giá.

Bà Warren nói rằng diễn biến trên đặt ra "thêm các câu hỏi về xung đột lợi ích tiềm ẩn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và các mối quan hệ của Robinhood".

Thượng nghị sĩ Warren yêu cầu Robinhod trả lời liệu trước khi quyết định tạm ngừng giao dịch GameStop, công ty có nói chuyện với Citadel Securities hay bất kỳ công ty liên kết nào không. Bà cũng muốn Robinhood giải thích công ty chia sẻ những dữ liệu nào cho Citadel Securities và chính xác doanh thu nhận được từ nhà tạo lập thị trường này là bao nhiêu. 

"Người dùng chính là sản phẩm"

Các tổ chức của ông Griffin phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong quyết định cấm người dùng mua GameStop của Robinhood.

Tình trạng hỗn loạn tại Robinhood đang thu hút sự chú ý đến mô hình giao dịch miễn phí của startup này, cũng như sự phụ thuộc vào doanh thu từ hoạt động điều hướng lệnh của nhà đầu tư.

Ông Mark Yusko, CEO quỹ đầu cơ Morgan Creek Capital Management nói với CNN: "Với bất kỳ sản phẩm nào miễn phí, người dùng chính là sản phẩm. Với Facebook và Instagram, bạn là sản phẩm. Với Robinhood, bạn cũng là sản phẩm".

Ông Yusko nói rằng Robinhood miễn phí giao dịch vì ứng dụng này được trả tiền để chuyển các giao dịch đó đến Citadel Securities và các nhà tạo lập thị trường khác.

"Đoán xem những công ty này làm gì? Họ chạy trước bạn". 

Biện hộ của Robinhood

Robinhood giải thích rằng quyết định áp đặt các hạn chế giao dịch tuần trước là do các yêu cầu tài chính tăng cao gây ra bởi sự hỗn loạn của thị trường.

Bất cứ khi nào nhà đầu tư mua cổ phiếu, Robinhood phải đặt cọc tại trung tâm thanh toán bù trừ.

Robinhood cho biết vào lúc 3:30 sáng ngày 28/1, trung tâm thanh toán bù trừ gọi điện cho công ty và yêu cầu khoản ứng trước khổng lồ 3 tỷ USD. Sau đó Robinhood phải thuyết phục trung tâm giảm số tiền đòi hỏi xuống 1,4 tỷ USD.

CEO Tenev của Robinhood giải thích với Elon Musk trong cuộc phỏng vấn gần đây về các hạn chế giao dịch: "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác trong trường hợp này. Chúng tôi phải tuân thủ các quy định quản lý".

Hôm 1/2, Robinhood thông báo đã huy động thêm 2,4 tỷ USD, nâng tổng số tiền huy động trong tuần vừa qua lên 3,4 tỷ USD. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Robinhood phải chịu sức ép tài chính lớn.

Khách hàng nổi giận

Các hạn chế giao dịch của Robinhood đã khiến người dùng nổi cơn thịnh nộ và dọa sẽ rời bỏ ứng dụng này. Một số người dùng đã đâm đơn kiện Robinhood, lập luận rằng các hạn chế của công ty là trò gian lận thị trường, làm hại nhà đầu tư cá nhân.  

Tuy nhiên, thỏa thuận người dùng của Robinhood buộc khách hàng phải giải quyết tranh chấp qua thủ tục trọng tài thay vì đến tòa án. Những người chỉ trích nói rằng điều khoản trên có thể cản trở việc công khai hành vi sai trái và khiến người khiếu nại khó giành được công bằng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.