|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Trận chiến GameStop để lại vết thương khó lành cho các quỹ đầu cơ

06:03 | 03/02/2021
Chia sẻ
Dù câu chuyện xoay quanh cổ phiếu GameStop sẽ kết thúc như thế nào thì các quỹ đầu cơ cũng đã phải lãnh cú đánh mạnh và sẽ không dễ dàng phục hồi.
Trận chiến GameStop để lại vết thương khó lành cho các quỹ đầu cơ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tuần vừa qua là quãng thời gian đen tối đối với các quỹ đầu cơ tuân theo chiến lược mua chứng khoán đồng thời bán khống những cổ phiếu khác. 

Đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ tập hợp trên trang wallstreetbets của Reddit đã đổ dồn vào GameStop và một vài cổ phiếu khác, đẩy giá lên cao ngất và khiến những quỹ đầu cơ bán khống chịu lỗ nặng.

Bán khống là hành động đi vay cổ phiếu để bán ở hiện tại rồi sau đó đi mua cổ phiếu để trả lại. Người bán khống sẽ được lợi nếu giá cổ phiếu đi xuống khiến giá mua lại nhỏ hơn giá bán ban đầu. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu tăng mạnh, đội bán khống sẽ bị lỗ. 

Một nguồn tin giấu tên cho biết Melvin Capital, quỹ đầu cơ từng mạnh tay bán khống GameStop, lỗ đến 53% trong tháng 1.

Theo Bloomberg, Melvin Capital không phải nạn nhân duy nhất. Quỹ đầu cơ Point72 Asset Management của tỷ phú Steve Cohen lỗ 15% trong tháng đầu năm nay trong cuộc nổi dậy của nhà đầu tư nhỏ lẻ. D1 Capital Parners, quỹ đầu cơ là cổ đông của ứng dụng giao dịch Robinhood Markets mất khoảng 20% trong tháng trước.

Các quỹ đầu cơ vừa mua vừa bán khống cổ phiếu thường sẽ không mất nhiều tiền đến vậy. Vị thế mua cho phép những quỹ đầu cơ này thu lợi khi cổ phiếu tăng giá, vị thế bán khống giúp chúng tận dụng kiếm lời từ những cổ phiếu sụt giảm.

Lẽ ra những quỹ đầu cơ tuân theo chiến lược trên phải thu lãi lớn hoặc ít nhất là đứng vững dù thị trường biến động như thế nào, giống như những gì đã xảy ra trong cú đổ vỡ bong bóng công nghệ năm 2000. Khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ba năm liên tiếp từ 2000 đến 2002, các quỹ đầu cơ vẫn kiếm được tiền vì lợi nhuận từ bán khống thừa đủ để bù đắp cho các khoản lỗ từ vị thế mua.

Nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình của các quỹ đầu cơ lại đảo ngược. Rất nhiều quỹ lỗ nặng dù thị trường hiện tại gần như đã quay về vạch xuất phát hồi đầu năm.

Phải nói rằng nhà sáng lập Melvin Capital – ông Gabe Plotkin và những nhà quản lý quỹ đầu cơ khác bị cuốn vào trận chiến GameStop không thể nào lường trước được điều sẽ xảy ra với họ. Khi nhìn lại, lẽ ra quỹ Melvin không nên bán khống GameStop mạnh đến vậy, nhưng ban đầu khoản đặt cược này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục của Melvin.

Ai có thể tưởng tượng rằg một nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ đẩy giá GameStop lên 25 lần trong vài ngày? Một phần lý do là để hủy hoại Melvin và các quỹ đầu cơ khác.

Khó có thể trách ông Plotkin vì quyết định bán khống GameStop. Có lẽ đây chính là lý do dòng tiền đổ vào quỹ Melvin nhiều hơn là ra kể cả sau khởi đầu tồi tệ trong năm. Tuần trước, quỹ Point72 và Citadel đã bơm 2,75 tỷ USD vào Melvin. Những nhà đầu tư khác cũng rót thêm tiền vào Melvin.

Mối nguy đối với quỹ đầu cơ

Giờ đây khi đã nhận thức được đầy đủ mối đe dọa, các quỹ đầu cơ không thể làm ngơ trước khả năng rằng các khoản bán khống của họ sẽ bị nhắm đến. Melvin đã giảm đòn bẩy xuống mức thấp nhất kể từ khi thành lập quỹ vào năm 2014 và "định vị lại danh mục đầu tư", bao gồm cả việc đóng vị thế bán khống GameStop.

Một lần nữa, Melvin không phải quỹ đầu cơ duy nhất làm vậy. Goldman Sachs cho biết: "Tuần vừa qua là là giai đoạn các quỹ đầu cơ tích cực giảm đòn bẩy nhất kể từ tháng 2/2009. Các quỹ bán ra hàng loạt cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đóng vị thế bán khống trong mọi lĩnh vực".

Như vậy, các quỹ đầu cơ giờ phải đối mặt với các lựa chọn kém hấp dẫn. Nếu từ bỏ các thương vụ bán khống, quỹ đầu cơ sẽ mất đi sự phòng hộ và cả khách hàng. Ai lại muốn trả phí quản lý quỹ đầu cơ cao ngất ngưởng cho một danh mục chỉ toàn vị thế mua trong khi họ sẽ tốn ít hơn nhiều nếu đầu tư vào quỹ tương hỗ hay quỹ ETF?

Còn nếu quỹ đầu cơ cố bảo vệ các khoản bán khống bằng quyền chọn mua và những chứng khoán phái sinh khác, chi phí của các công cụ này có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận tới 3 đến 5% một năm. Sau hơn một thập kỷ có hiệu suất kém cỏi, các quỹ đầu cơ khó có thể chấp nhận tự làm giảm vài điểm % tỷ suất lợi nhuận.

Ngoài ra còn có những mối đe dọa gần hơn. Nếu thị trường chứng khoán Mỹ đi ngang hay tăng điểm trong lúc quỹ đầu cơ tiếp tục thua lỗ, các khách hàng có thể sẽ rời bỏ chúng. Quỹ đầu cơ có nhiệm vụ là bảo vệ nhà đầu tư khỏi biến động thất thường của thị trường, không phải ngược lại.

Quỹ đầu cơ cũng khó có thể trông chờ vào sự giải cứu từ các nhà quản lý thị trường. Sau khi chính phủ Mỹ cứu trợ doanh nghiệp vào năm 2008 và để mặc dân thường tự cứu lấy mình, nhiều người tin rằng cuộc chơi đã bị gian lận theo hướng có lợi cho Phố Wall.

Trong bối cảnh này, các nhà quản lý sẽ không muốn tỏ ra là họ về phe với quỹ đầu cơ. Và mặc dù nhà đầu tư nhỏ lẻ trên Reddit bị ngờ là thao túng thị trường, có rất ít dấu hiệu cho thấy họ đã phạm luật, Bloomberg cho biết.

Miễn là nhà đầu tư trên mạng xã hội không cố can thiệp vào hoạt động giao dịch bình thường của GameStop, họ có quyền tâng bốc hay mua cổ phiếu vì bất kỳ lý do gì, dù là để trừng trị các quỹ đầu cơ.

Dù trận chiến GameStop kết thúc như thế nào, thế giới của các quỹ đầu cơ cũng sẽ thay đổi vĩnh viễn. 

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.