|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam nằm đâu trên bản đồ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thế giới?

11:15 | 06/06/2021
Chia sẻ
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đang phải vật lộn để tiêm phòng vắc xin cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại nhiều nơi tăng cao, thậm chí lên mức kỷ lục.

Giáo sư Benjamin Cowling của Trường Y tế Cộng đồng (thuộc Đại học Hong Kong) cho biết, chính phủ nhiều nước châu Á đang gặp khó khăn khi thu mua vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài ra, thành công ban đầu trong ngăn chặn đại dịch ở châu Á có thể khiến người dân cảm thấy việc tiêm chủng ít khẩn cấp hơn.

"Khi có tương đương ít ca nhiễm trong năm qua, người ta sẽ có suy nghĩ rằng đại dịch COVID-19 không phải là một rủi ro lớn và các nước có thể giảm thiểu số ca bệnh nếu họ đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách. Nhìn chung, họ không cần phải vội tiêm phòng", ông Cowling lý giải.

"Do đó, thái độ chần chừ không muốn tiêm vắc xin trở thành một vấn đề đau đầu", vị giáo sư nhấn mạnh trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC.

Tỷ lệ tiêm vắc xin tại châu Á

Theo phân tích của CNBC, các quốc gia/khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương đã tiêm ngừa khoảng 23,8 liều vắc xin/100 người dân. Nghiên cứu của CNBC lấy từ dữ liệu của trang web Our World in Data, tính đến ngày 1/6.

Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khoảng 61,4 liều/100 người của Bắc Mỹ và 48,5 liều/100 người của khu vực châu Âu. Châu Phi là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, chỉ khoảng 2,5 liều/100 người.

Việt Nam nằm đâu trên bản đồ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thế giới? - Ảnh 1.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Natixis (Pháp) đã theo dõi nguồn cung vắc xin và tiến độ tiêm chủng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Trong một báo cáo công bố vào tháng trước, các chuyên gia tại Natixis cho biết thiếu hụt nguồn cung từng là nguyên nhân lớn dẫn đến chương trình tiêm chủng chậm chạp của châu Á, và đến nay một số nền kinh tế vẫn chưa giải quyết được vấn đề đau đầu này.

Theo CNBC, các chuyên gia của Natixis cho biết Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines và Việt Nam là các nền kinh tế "chưa mua đủ liều lượng vắc xin cần thiết để tiêm chủng hàng loạt".

"Nhu cầu tiêm ngừa của công chúng tại các nền kinh tế đó vẫn còn thấp. Thái độ hoài nghi về các loại vắc xin mới được phát triển dường như là lí do phổ biến khiến người dân trên khắp thế giới e ngại. Tuy nhiên, tình trạng này ở châu Á còn nghiêm trọng hơn, khi mà các biện pháp dập dịch hiệu quả trước đây làm mọi người ít nóng lòng đi tiêm ngừa hơn", báo cáo của Natixis nêu rõ.

Kẻ đi trước, người theo sau

Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mông Cổ và Singapore là hai nước đang dẫn đầu với tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 97 liều/100 người và 69 liều/100 người, dữ liệu của Our World in Data chỉ rõ.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và thị trường cận biên như Việt Nam và Afghanistan lại chậm chạp theo sau. Theo Fitch Solutions, khá nhiều nước thuộc nhóm này đang phụ thuộc vào COVAX - sáng kiến chia sẻ vắc xin của WHO.

Việt Nam nằm đâu trên bản đồ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thế giới? - Ảnh 2.

Song, nguồn cung từ COVAX đang đối mặt với rủi ro lớn vì Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu vắc xin ra ngoài. Fitch Solutions lưu ý, Ấn Độ là quê hương của hãng sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới Serum Institute India, cũng là nhà cung ứng chính cho sáng kiến trên.

Fitch Solutions cảnh báo, nếu hoạt động xuất khẩu vắc xin của Ấn Độ không sớm được nối lại, chương trình tiêm chủng của nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp đang phụ thuộc vào COVAX sẽ bị trì hoãn.

Việt Nam nằm đâu trên bản đồ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thế giới? - Ảnh 3.

Dựa vào tỷ lệ tiêm chủng, các nhà kinh tế của Natixis dự đoán chỉ Singapore và Trung Quốc đại lục mới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm ngừa cho 70% dân số - ngưỡng cần thiết để đạt "miễn dịch cộng đồng".

Các nền kinh tế châu Á còn đang chật vật mua vắc xin ngừa COVID-19 có thể phải đến năm 2025 hoặc hơn mới đạt được ngưỡng tiêm chủng nêu trên. Tiến độ triển khai vắc xin chậm hơn có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Philippines, Thái Lan và Malaysia.

Khả Nhân