Nano Covax và vắc xin của Vingroup sắp được phê duyệt, đứng trước cơ hội cung ứng hàng triệu liều
Dự kiến cấp phép khẩn cấp vào đầu năm sau
Kỳ vọng về một loại vắc xin phòng COVID-19 mang thương hiệu Việt Nam khởi đầu từ thời điểm tháng 5/2020, khi CTCP Công nghệ Sinh học dược Nanogen bắt tay vào phát triển, thử nghiệm vắc xin Nano Covax trên động vật.
Ngoài ra, Việt Nam còn có vắc xin ARCT-154 do VinBioCare thuộc Vingroup nhận sản xuất chuyển giao công nghệ từ Mỹ.
Đây cũng là hai loại vắc xin tiềm năng nhất hiện nay và dự kiến được cấp phép khẩn cấp vào đầu năm 2022.
Vắc xin Nano Covax đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3c trên 13.000 người. Mới đây nhất, trong cuộc họp chiều 29/12, vắc xin Nano Covax đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia kết luận đạt yêu cầu hiệu lực bảo vệ.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, vắc xin Nano Covax có hiệu lực bảo vệ giảm dần theo thời gian. Tính chung toàn thời gian, hiệu lực bảo vệ của liều tiêm 25 mcg đạt 52,1%, đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và FDA Mỹ.
Kết quả nghiên cứu qua giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được báo cáo tại cuộc họp, vắc xin Nano Covax làm giảm số mắc COVID-19, giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc COVID-19. Trong đó, hiệu lực bảo vệ tử vong của vắc xin Nano Covax là 100%.
Dự kiến, trong tuần tới Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh Quốc gia sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế và Hội đồng tư vấn cấp phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp để xem xét đối với vắc xin Nano Covax.
Về vắc xin ARCT-154 của Vingroup, dù mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 hồi tháng 8, nhưng đến thời điểm này, ARCT-154 đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3c trên hơn 20.000 người. Nếu kết quả cho thấy hiệu quả với người tiêm dự kiến được cấp phép khẩn cấp vào đầu năm sau.
Chiến dịch tiêm mũi thứ 3 và cơ hội cung ứng hàng triệu liều cho thị trường trong nước
Với diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất khó lường sau khi xuất hiện biến chủng mới Omicron, các quốc gia đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi bổ sung, thậm chí có nước đã bắt đầu tiêm mũi 4 như Israel.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm mũi thứ 3 cũng đang được triển khai. Tại cuộc họp hôm 16/12, Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất tới cuối tháng 12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1/2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi.
Trong Báo cáo Công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo.
Có thể hiểu khi đại dịch chưa kết thúc và các hãng chưa sản xuất được loại vắc xin phòng COVID-19 suốt đời, việc tiêm vắc xin COVID-19 sẽ là việc thường xuyên và được nhắc lại hàng năm. Rõ ràng, hai loại vắc xin của Việt Nam sắp được phê duyệt vẫn có cơ hội cung ứng cho thị trường trong nước, bất chấp vắc xin ngoại đang về khá nhiều.
Về hiệu quả bảo vệ của Nano Covax, như đã nói ở trên hiệu lực bảo vệ của liều tiêm 25 mcg đạt 52,1%. Hiệu lực này dù không bằng khi so sánh với các loại vắc xin ngoại hiện đang tiêm tại Việt Nam như AstraZeneca (62-90%), Pfizer, Moderna (đều trên 90%). Tuy nhiên vắc xin Nano Covax có hiệu lực bảo vệ tử vong lên đến 100%. Điểm nổi bật này cũng giúp Nano Covax có thêm lợi thế khi cạnh tranh với các vắc xin ngoại khác.
Còn vắc xin do Vingroup nhận sản xuất chuyển giao công nghệ Mỹ hiện chưa công bố hiệu lực bảo vệ.
Về năng lực sản xuất vắc xin Nanocovax, hiện Công ty Nanogen đang có 4 nhà máy, 3 nhà máy ở TP HCM. Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, Nanogen cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, công ty sẽ sản xuất được 50 - 100 triệu và có thể lên đến 120 triệu liều.
Trong thông cáo báo chí phát đi hôm 2/8, thông tin chi tiết về vắc xin ARTC-154 (vắc xin nhận chuyển giao công nghệ Mỹ), Vingroup cho biết nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất lên đến 200 triệu liều mỗi năm.