Bên trong gói giải cứu 1.900 tỷ USD ông Biden vừa công bố
Đề xuất của ông Biden có tên gọi "Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ" và sử dụng nhiều biện pháp kích thích quen thuộc. Ông Biden hy vọng rằng các chương trình hỗ trợ bổ sung này sẽ giúp các gia đình và doanh nghiệp Mỹ chống chịu được với đại dịch cho tới khi vắc xin COVID-19 được triển khai rộng rãi.
Theo CNBC, các nội dung chính trong kế hoạch của ông Biden bao gồm:
- Trực tiếp phát tiền mặt 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ. Cộng với khoản 600 USD đã được thông qua hồi tháng 12/2020, tổng cộng mỗi công dân Mỹ được nhận 2.000 USD.
- Tăng trợ cấp thất nghiệp liên bang từ 300 lên 400 USD/tuần, kéo dài đến hết tháng 9.
- Tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/ giờ.
- Kéo dài thời hạn hoãn siết nợ và tịch thu nhà với những người vay mua nhà nhưng không có điều kiện trả, cho đến hết tháng 9.
- 350 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương.
- 170 tỷ USD để hỗ trợ các trường từ mầm non đến hết trung học phổ thông cũng như các cơ sở giáo dục cấp cao hơn.
- 50 tỷ USD để xét nghiệm COVID-19.
- 20 tỷ USD cho chương trình vắc xin quốc gia, do chính phủ liên bang hợp tác cùng chính quyền các bang, địa phương và bộ lạc.
- Hoàn lại toàn bộ Phúc lợi Thuế Trẻ em của năm nay và tăng mức phúc lợi lên 3.000 USD/trẻ, nếu trẻ dưới 6 tuổi thì được 3.600 USD.
Theo các trợ lý thân cận của vị tổng thống đắc cử, Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD này là một trong hai gói chi tiêu lớn mà ông Biden sẽ đề xuất và cố gắng thông qua trong những tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống.
Dự luật thứ hai sẽ được công bố vào tháng 2 và sẽ hướng đến giải quyết các mục tiêu dài hạn hơn của ông Biden như tạo thêm việc làm, cải thiện hệ thống hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy bình đẳng sắc tộc.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền tương lai của ông Biden cũng xác nhận rằng vị tổng thống đắc cử vẫn ủng hộ việc xóa khoản nợ sinh viên 10.000 USD/người. Nợ sinh viên là số tiền mà một người vay để trang trải cho thời gian học đại học, có thể từ vài chục đến vài trăm nghìn USD. Nhiều người đã ra trường và đi làm nhiều năm nhưng vẫn không trả hết.
Theo CNBC, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ nhanh chóng lên tiếng ủng hộ nhiệt liệt kế hoạch của ông Biden.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer ra thông cáo chung: "Bằng việc công bố gói giải cứu COVID-19 hôm nay, Tổng thống đắc cử Joe Biden đang cố gắng giúp đỡ và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân Mỹ nhanh nhất có thể. Đảng viên Dân chủ ở Thượng viện và Hạ viện cám ơn ông Biden và mong sẽ sớm được làm việc cùng ông về kế hoạch giải cứu này".
Đề xuất trị giá gần 2.000 tỷ USD của ông Biden nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của không ít chính trị gia Đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky - người không muốn Quốc hội chi tiêu thêm sau khi gói kích thích 900 tỷ USD được thông qua hồi tháng 12.
Mặc dù vậy, nhóm của ông Biden lạc quan rằng đề xuất cứu trợ hiện nay sẽ nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ với nhiều quan điểm chính trị khác nhau. Vị tổng thống đắc cử 78 tuổi đã tham vấn với các nhà lãnh đạo tại Quốc hội để chọn ra cách tiếp cận có khả năng thông qua cao nhất.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio (bang Florida) nhiều khả năng sẽ ủng hộ kế hoạch chi tiêu của ông Biden. Trong tuần này, ông Rubio đã kêu gọi tổng thống đắc cử coi việc phát tiền mặt 2.000 USD/người là ưu tiên hàng đầu.
"Trên khắp nước Mỹ, người dân đang tìm kiếm câu trả lời và đòi hỏi trách nhiệm, nhưng mọi người cũng đang rất khát khao hy vọng: hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ở Washington có thể bắt đầu hành động để hàn gắn đất nước bị chia rẽ sâu sắc của chúng ta", ông Rubio viết trong bức thư đề ngày 12/1.
"Trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông hãy kêu gọi Hạ viện và Thượng viện thông qua một dự luật nhằm nâng khoản phát tiền mặt trực tiếp từ 600 lên 2.000 USD. Hành động này của ông sẽ gửi ra một thông điệp mạnh mẽ cho hàng trăm triệu người dân Mỹ đang khốn đốn trong đại dịch", ông Rubio nói thêm.