|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden chịu sức ép chi hơn 1.300 tỷ USD cho gói cứu trợ tiếp theo

10:55 | 14/01/2021
Chia sẻ
Ông Biden dự định công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế vào tối ngày 14/1. Mục tiêu hàng đầu của Đảng Dân chủ là tăng trợ cấp tiền mặt lên 2.000 USD/người.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ hối thúc ông Biden chi hơn 1.300 tỷ USD cho gói cứu trợ tiếp theo - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện. (Ảnh: AP).

Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện đã thúc ép Tổng thống đắc cử Joe Biden đề xuất chi hơn 1.300 tỷ USD cho gói cứu trợ COVID-19 đầu tiên trong nhiệm kỳ.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết cả hai đã bàn bạc về các kế hoạch của ông Biden trước khi tổng thống tương lai công bố đề xuất tái thiết kinh tế. Ông Biden sẽ phát biểu lúc 7:15 tối ngày 14/1 theo giờ Mỹ (tức sáng 15/1 theo giờ Việt Nam), vạch ra kế hoạch về tiêm chủng vắc xin và giải cứu kinh tế.

Các trợ lý của ông Biden đã thảo luận về quy mô gói cứu trợ tức thời sau khi chính quyền mới nhậm chức ngày 20/1. Tháng 10 năm ngoái, Đảng Dân chủ ở Hạ viện đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD, nhiều hơn 1.300 tỷ USD so với quy mô của đạo luật cứu trợ được chính thức ban hành cuối tháng 12.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ hối thúc ông Biden chi hơn 1.300 tỷ USD cho gói cứu trợ tiếp theo - Ảnh 2.

Ông Biden sẽ tìm cách giành sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa trong dự luật cứu trợ tiếp theo. Vị tổng thống tương lai có thể thông qua một số hạng mục kích thích bằng cách sử dụng công cụ ngân sách đặc biệt chỉ với số phiếu của 50 đảng viên Dân chủ và các nghị sĩ độc lập trong Thượng viện, nhưng ông muốn có được sự tán thành của cả hai đảng. 

Nguồn tin của Bloomberg cho biết ông Biden tin có thể thuyết phục được ít nhất 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ kế hoạch sẽ được tiết lộ vào ngày 14/1.

Các ngân hàng Phố Wall dự kiến kế hoạch hỗ trợ kinh tế mới có quy mô 1.000 tỷ USD hoặc thấp hơn. Tuần trước, chứng khoán Mỹ đã leo lên mức kỷ lục dựa trên kỳ vọng về kích thích tài khóa bổ sung.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết những nội dung quan trọng trong gói cứu trợ tiếp theo là tài trợ cho vắc xin, trợ giúp chính quyền địa phương và các bang, nâng khoản tiền hỗ trợ trực tiếp từ 600 lên 2.000 USD và tăng cường trợ cấp thất nghiệp.

Sẽ có thêm kích thích

Dự kiến ông Biden sẽ tiếp tục đề xuất gói kích thích lớn hơn và kế hoạch cơ sở hạ tầng sau dự luật cứu trợ khẩn cấp.

Dù đạo luật 900 tỷ USD ban hành hồi tháng 12 không có điều khoản hỗ trợ các chính quyền địa phương, lần này khá nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã đồng ý phân bổ 160 tỷ USD cho các bang. 

Mục tiêu phát tiền mặt 2.000 USD cho mỗi người cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Hôm 13/1, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio viết thư kêu gọi ông Biden yêu cầu Quốc hội tăng khoản hỗ trợ trực tiếp từ 600 lên 2.000 USD. 

"Mức hỗ trợ lớn hơn sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ tới người dân Mỹ" sau những gì xảy ra tại Điện Capitol ngày 6/1, lá thư viết.

Trợ cấp thất nghiệp

Ông Ron Wyden, chủ tịch sắp tới của Ủy ban Tài chính Thượng viện cũng coi việc tăng cường hỗ trợ tiền mặt trực tiếp là ưu tiên hàng đầu giống như ông Schumer. Ông Schumer nói rằng sự trợ giúp nên "bắt đầu với các tấm séc cứu trợ trị giá 2.000 USD và tiếp nối bằng trợ cấp thất nghiệp bổ sung".

Các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và mở rộng hiện tại sẽ hết hạn vào giữa tháng 3. Do đó, giữa tháng 3 là thời hạn cuối cùng để các nhà lập pháp tăng cường trợ giúp kinh tế.

Ông Wyden nói với các phóng viên vào ngày 13/1: "Mỹ sẽ không quay trở lại bình thường trước tháng 3". Việc triển khai vắc xin trên toàn nước Mỹ sẽ không thể hoàn thành trước thời điểm này.

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.