|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Giáo dục hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, điểm PISA của Việt Nam có thể sánh với Pháp

12:02 | 02/04/2025
Chia sẻ
Theo chuyên gia HSBC, Việt Nam đang có cơ hội để đi trước các nước khác trong việc đầu tư cải thiện giáo dục.

Bình luận về yếu tố giáo dục trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC cho hay,  tăng trưởng kinh tế một nước được thúc đẩy đáng kể nếu hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các quốc gia phổ cập giáo dục là nơi nhiều startup ra đời, năng suất lao động được cải thiện và GDP theo đầu người cũng tăng lên đáng kể.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia châu Á chưa đạt đến mức độ này. Chỉ một số thực sự nổi bật, bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Những nước này đạt được thành tích tốt về giáo dục và là minh chứng rằng những cải thiện nhỏ trong lĩnh vực đó có thể kéo theo nhiều lợi ích về kinh tế lớn lao hơn, ông. Herald van der Linde đánh giá.

Tất nhiên, ông cũng chỉ ra rằng câu chuyện không chỉ đơn thuần xoay quanh việc làm sao để tăng số lượng học sinh hoàn thành bậc giáo dục phổ thông. Mấu chốt còn nằm ở chất lượng giáo dục.

 

Ông Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC. (Ảnh: HSBC).

 

Một thước đo quan trọng chính là thang điểm đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy ASEAN và Nam Á cần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục. Chỉ khi đó, các khu vực này mới có thể khai thác tiềm năng đến từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng.

Xét về mặt này, Việt Nam đang có kết quả đặc biệt tốt, gần theo kịp tiêu chuẩn giáo dục của các quốc gia đã phát triển. Kết quả điểm PISA mới nhất của Việt Nam có thể sánh với Pháp.

Chuyên gia từ HSBC đánh giá, Châu Á đang chuyển mình, các chuỗi cung ứng đang chuyển dịch khắp khu vực: Apple đang xây dựng cơ sở mới ở Indonesia hay Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam.

Thông thường, đầu tư nước ngoài sẽ đi kèm với nhiều cơ hội việc làm tốt mở ra cho người dân địa phương song câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng lao động địa phương có đáp ứng những kỹ năng cần thiết để được tuyển vào làm tại các cơ sở tiên tiến này hay không.

Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do OECD thực hiện nhằm mục tiêuđánh giá kiến ​​thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi về toán, đọc, khoa học.

Kết quả PISA năm 2024, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn toán, môn đọc và khoa học. Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.

 

 

Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng một vai trò quan trọng để thoát khỏi cái mác “nền sản xuất chất lượng thấp, lương thấp” xưa cũ.

Hiện tại, phần lớn lực lượng lao động của châu Á không được hưởng giáo dục bậc cao hoặc bậc phổ thông trung học, trong khi thị trường vẫn cần nhiều nhân lực có tay nghề cao được trang bị đầy đủ kỹ năng để xử lý được công việc phức tạp trong những ngành tiên tiến hơn.

Điều này cho thấy cơ hội khi Việt Nam để đi trước các nước khác trong việc đầu tư cải thiện giáo dục. Thực tế, Việt Nam đang làm tốt, điều đó lý giải vì sao Việt Nam vẫn đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

Tình hình nhìn chung rất tích cực đối với Việt Nam. Về lâu về dài, chất lượng giáo dục ưu tú là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, chuyên gia HSBC nhìn nhận.

 

Hạ An