|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Kỳ vọng Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2025

18:30 | 17/02/2025
Chia sẻ
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, bày tỏ kỳ vọng, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC. (Ảnh: VGP).

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Yun Liu nhận định, Việt Nam đã khởi đầu năm 2025 với một nền tảng khá vững chắc. Ba yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay bao gồm thương mại, FDI và đầu tư công.

Chuyên gia kinh tế HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 mặc dù phải đối mặt với một số rủi ro đối với tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại do Việt Nam có một nền kinh tế mở hơn và phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu.

"Chúng tôi nhận thấy có khá nhiều bất ổn trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến chính sách thuế quan của chính quyền mới tại Hoa Kỳ. Dù vậy, vẫn có những yếu tố thuận lợi, chẳng hạn như triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiêu dùng trong nước phục hồi sau những tác động bất ngờ. Vì vậy, tôi cho rằng năm 2025 của Việt Nam sẽ đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội", bà Yun Liu chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế HSBC, câu chuyện về FDI thực sự là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua. Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và có động lực tốt để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Trong những năm tới, mục tiêu của Việt Nam là vươn lên trong chuỗi giá trị, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và ổn định hơn cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước phục hồi chậm hơn so với sự phục hồi chung của nền kinh tế trong hai năm qua. Tuy nhiên, chuyên gia HSBC hy vọng, năm nay, tiêu dùng nội địa sẽ bắt kịp với đà tăng trưởng của thương mại, từ đó tạo ra những động lực cần thiết để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

HSBC hoan nghênh một số chính sách rất đáng khích lệ từ phía Chính phủ, trong đó có việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% thêm 6 tháng đầu năm 2025. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ là việc Chính phủ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt trong việc duy trì tăng trưởng.

Đề cập tới tiềm năng dài hạn của thị trường vốn Việt Nam, bà Yun Liu cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Hiện tại, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng để huy động vốn, điều này có thể làm gia tăng rủi ro khi điều kiện kinh tế suy yếu. Vì vậy, việc phát triển và cải thiện thị trường vốn là rất quan trọng, đặc biệt trong việc đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu tài chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư hy vọng khai mở thị trường vốn Việt Nam thông qua việc nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay.

 

Chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ tác động trung tính đến thị trường Việt Nam

Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, bà Jola Pasku, chuyên gia kinh tế S&P Global Market Intelligence nhận định, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Việt Nam cần ứng phó hiệu quả với tác động được dự báo ở mức "trung tính" từ thay đổi chính sách thuế quan của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến thị trường trong nước.

Chuyên gia kinh tế từ Nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ đánh giá, Việt Nam thành công khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới, trở thành trung tâm lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip bán dẫn.

Chu kỳ tăng trưởng của ngành công nghệ chip bán dẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 khi các lĩnh vực xuất khẩu tăng thêm. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này sẽ yếu hơn trong năm nay so với năm 2024.

Khu vực FDI được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường trong nước, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn, theo đó thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân. Tính chung trong tháng 1/2025, Việt Nam hút được khoảng 4,33 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tăng đáng kể (30,4%) so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản có thể sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI có thể tạm thời chậm lại vào đầu năm 2025 trong khi chờ đợi khả năng thay đổi chính sách thuế quan Mỹ có khả năng áp dụng đối với Việt Nam.

Bên cạnh những động lực tăng trưởng mới, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn thương mại toàn cầu.

S&P dự báo trong năm 2025 sẽ có một số yếu tố cản lực tăng trưởng Việt Nam với biến động bất ngờ của lạm phát. Một mặt, khả năng tăng giá do tăng trưởng các đơn hàng trước lo ngại Mỹ áp thuế mới. Đồng thời, động lực tăng trưởng cũng gặp lực cản từ các chính sách "nước Mỹ trước tiên" và thuế chống bán phá giá từ Hoa Kỳ.

S&P dự đoán các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ sẽ tác động ở mức 'trung tính' đến Việt Nam năm 2025 và tác động tiêu cực vào năm 2026.

Tổ chức cũng dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ tăng 6,4% vào năm 2025, dẫn đầu là ngành sản xuất, với sự đóng góp từ xuất khẩu máy móc và dệt may và tăng 6,3% vào năm 2026.

Trước đó, S&P Global Ratings kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mức 6,5-7,0% trong 3-4 năm tới.

Dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.500 USD vào cuối năm 2024. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 5,5% GDP trong năm 2024, trước khi giảm theo xu hướng dài hạn từ năm 2025.

Khảo sát của S&P Global cho thấy các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang trở nên lạc quan hơn đối với triển vọng sản lượng trong năm nay. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2025 với mức 48,9 điểm, giảm so với mức 49,8 điểm của tháng 12/2024.

Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất thu hẹp. Mặc dù có tháng khởi động năm 2025 tương đối chậm, tâm lý các nhà sản xuất tại Việt Nam đã lạc quan hơn trong năm nay./.

Thùy Dung - Thanh Thúy