Trung Quốc: Tham vọng chuyển dịch chuỗi cung ứng của Mỹ 'phi thực tế'
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, khi được hỏi về sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua hôm 24/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đưa ra lập luận phản bác.
Theo sắc lệnh mới, chính phủ Mỹ sẽ tiến hành đánh giá trong 100 ngày đối với các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn và pin công nghệ cao được sử dụng trong xe điện, sau đó đánh giá dài hạn và rộng hơn đối với 6 lĩnh vực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Biden cho biết cuộc đánh giá dài hạn sẽ tạo điều kiện để Washington đưa ra các khuyến nghị chính sách mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng và từ đó nhanh chóng thực hiện các đề xuất này. Sắc lệnh mới không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.
Trong cuộc phỏng vấn trước khi ký sắc lệnh mới, ông Biden thừa nhận vấn đề thiếu hụt nguồn cung chip tại Mỹ sẽ không được giải quyết ngay lập tức.
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho rằng các biện pháp của Washington "sẽ không giúp họ giải quyết vấn đề trong nước" mà chỉ gây tổn hại cho thương mại toàn cầu.
"Trung Quốc tin rằng những nỗ lực nhằm chuyển dịch chuỗi cung ứng và tách rời quan hệ thương mại là phi thực tế", ông Triệu phát biểu tại cuộc họp báo.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc tôn trọng quy luật thị trường và các quy tắc thương mại tự do, đồng thời duy trì độ an toàn, tin cậy và ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu", phát ngôn viên họ Triệu tiếp tục.
Dù Mỹ nhập khẩu phần lớn chất bán dẫn từ các đồng minh như Đài Loan và Hàn Quốc, sắc lệnh mới của ông Biden chủ yếu muốn Mỹ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các đối thủ khác, Bloomberg nhận định.
Cuộc đánh giá của Tổng thống Biden có thể dẫn đến các ưu đãi tài chính, thuế quan hoặc thay đổi trong chính sách mua sắm hàng hóa của Mỹ, Bloomberg dẫn lời một quan chức chính phủ cho hay.
Chính quyền ông Biden còn lên kế hoạch tổ chức sản xuất các mặt hàng quan trọng tại Mỹ hoặc hợp tác cùng đồng minh xây dựng chuỗi cung ứng "không Trung Quốc", vị quan chức nói thêm.