|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Biden ký sắc lệnh cứu nguy ngành bán dẫn Mỹ

08:09 | 25/02/2021
Chia sẻ
Hôm 24/2, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ vật tư y tế đến xe điện.
Ông Biden ký sắc lệnh cứu nguy ngành bán dẫn Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden ký một sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục, ngày 2/2. (Ảnh: AP).

Theo sắc lệnh mới, chính phủ Mỹ sẽ tiến hành đánh giá trong 100 ngày đối với các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn và pin công nghệ cao được sử dụng trong xe điện, sau đó đánh giá dài hạn và rộng hơn đối với 6 lĩnh vực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại cuộc họp báo trước khi ký sắc lệnh, Tổng thống Joe Biden cho biết cuộc đánh giá dài hạn sẽ tạo điều kiện để Washington đưa ra các khuyến nghị chính sách mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng và từ đó nhanh chóng thực hiện các đề xuất này.

Sắc lệnh mới được ban hành sau khi các nhà lập pháp lưỡng đảng cùng khá nhiều nhà lãnh đạo ngành cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng khi Mỹ bị thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn.

Ông Chuck Schumer - Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cho rằng "sản xuất chất bán dẫn là một điểm yếu nguy hiểm trong nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ".

Cùng ngày 24/2, ông Biden đã họp cùng một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng để thảo luận về tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn. Vị tổng thống của Đảng Dân chủ cho biết cuộc họp diễn ra "rất hiệu quả". Ông Biden khen ngợi tinh thần hợp tác trong cuộc họp, nói rằng "mọi thứ giống như ngày xưa, khi tất cả có cùng chí hướng".

Chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã sớm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vì phần lớn chip trên thế giới được sản xuất tại những khu vực như Trung Quốc đại lục và Đài Loan, CNBC cho hay.

Cuộc khủng hoảng y tế làm lộ ra điểm yếu của Mỹ khi họ phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, và ngành công nghiệp bán dẫn cũng không ngoại lệ. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 12,5% sản lượng chất bán dẫn trên toàn cầu.

Sự thiếu hụt chip bán dẫn đã gây tác động tiêu cực đến một số công ty. Đầu tháng 2, Ford cho biết sản lượng dự kiến trong quý I/2021 có thể sụt giảm tới 20% vì thiếu chất bán dẫn.

General Motors (GM) tuyên bố sẽ kéo dài thời gian tạm ngừng hoạt động tại một số nhà máy vì thiếu chip và sẽ đánh giá lại tình hình vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, trước thông báo về sắc lệnh mới, CFO Paul Jacobson của GM cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nguồn cung chip có lẽ đã qua.

Trong bức thư gửi đến Tổng thống Biden hồi tuần trước, nhiều hiệp hội ngành gồm SIA, Hiệp hội Công nghệ Y tế Tiên tiến và Hiệp hội các nhà Sản xuất Động cơ và Thiết bị, đã gợi ý Mỹ nên khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn hoạt động trong nước để cạnh tranh với các nước có đầu tư vào sản xuất chip.

Khả Nhân