Để xoa dịu lạm phát, ông Biden có thể giảm bớt thuế quan đối với hàng Trung Quốc ngay trong tuần này
Nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết, Tổng thống Joe Biden có thể thông báo ngay trong tuần này về việc dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đồng thời, ông Biden cũng có thể công bố một cuộc điều tra mới về trợ cấp công nghiệp. Cuộc điều tra này có thể khiến Washington áp thêm thuế đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ. Theo nguồn tin, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và khung thời gian có thể thay đổi.
Đây có thể sẽ là bước đi chính sách quan trọng đầu tiên của đương kim Tổng thống Mỹ về quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Trong những tuần gần đây, ông Biden đã tổ chức một số cuộc họp với các cố vấn kinh tế cấp cao để thảo luận về thuế quan do chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt.
Đồn đoán rằng ông Biden đang xem xét việc nới lỏng một số mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên gấp bội khi lạm phát tăng nhanh, gây áp lực buộc giới chức Mỹ phải tìm cách hạ nhiệt giá cả.
Tháng trước, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ “sớm” trò chuyện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nói với các phóng viên rằng ông đang “trong quá trình” quyết định có nên dỡ bỏ thuế quan hay không.
Một số thành viên nội các của vị tổng thống đã đề nghị ông nên sử dụng cuộc điện đàm sắp tới với ông Tập để yêu cầu Bắc Kinh cắt giảm thuế quan tương ứng đối với hàng hoá Mỹ hiện đang phải chịu thuế nhập khẩu, mặc dù ý tưởng này đã nhanh chóng bị loại bỏ.
Theo một phát ngôn viên Nhà Trắng, hiện Washington chưa đưa ra quyết định về thuế quan đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc nhưng chính quyền muốn đảm bảo kế hoạch này phù hợp với các ưu tiên “kinh tế và chiến lược” và không làm tăng chi phí sống của người dân một cách không cần thiết.
Trước Bloomberg, tờ Wall Street Journal đã đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ công bố quyết định ngay trong tuần này.
Giảm bớt thuế quan có thể hạ nhiệt lạm phát?
Hồi tháng 5, các quan chức chính quyền ông Biden nói họ đang thực hiện các bước đầu tiên để đánh giá lại thuế quan trừng phạt. Các ngành công nghiệp được hưởng lợi từ chính sách thuế quan của ông Trump có thể đưa ra bình luận và yêu cầu gia hạn thuế cho đến ngày 6/7.
Chia sẻ trước truyền thông vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết chính quyền ông Biden đang tìm cách “cấu hình lại” thuế quan thời Trump. Bà nói các mức thuế này “không được thiết kế để phục vụ mục tiêu chiến lược của Mỹ”.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng Mục 301 để áp thuế hàng hoá của Trung Quốc từ đầu tháng 7/2018, sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ.
Phát biểu trước các nhà lập pháp, Bộ trưởng Yellen cho biết một số thuế quan hiện hành đang gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, dù chính sách thuế quan không phải là thuốc chữa hiệu quả cho lạm phát.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo cho biết Washington đã quyết định giữ nguyên thuế quan đối với thép và nhôm từ Trung Quốc, nhưng đang cân nhắc dỡ bỏ thuế đối với các mặt hàng khác.
“Có những sản phẩm như hàng gia dụng, xe đạp,…chúng có thể tạo ra tác động tương đối nếu Mỹ cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng này”, bà Raimondo chia sẻ.
Mặt khác, Đại diện Thương mại Katherine Tai đã nói rõ rằng bà không tin việc giảm bớt thuế quan sẽ giúp hạ nhiệt áp lực giá cả.
Trong một phiên điều trần gần đây, bà nói với các nhà lập pháp rằng “liên quan tới một số thách thức ngắn hạn, có một giới hạn nhất định khiến chúng ta không thể can thiệp nhiều được, đặc biệt là về vấn đề lạm phát”.
Ở diễn biến khác, Nhà Trắng đã yêu cầu các công ty bán lẻ cam kết phải giảm giá bán sau khi chính phủ dỡ bỏ bớt thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc. Song, các giám đốc ngành bán lẻ đã từ chối yêu cầu và khẳng định đó là một kỳ vọng không thực tế.
Theo Bloomberg, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể vì chiến lược Zero COVID, xuất khẩu của nước này sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay (tính theo đồng USD) đã tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 4%.