|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc liệu có phải ‘thuốc giải’ cho lạm phát của Mỹ?

14:22 | 16/06/2022
Chia sẻ
Các nhà kinh tế cho rằng việc dỡ bỏ thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ tạo ra tác động nhỏ lên lạm phát ở Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính của lạm phát phi mã là tắc nghẽn chuỗi cung ứng, và vấn đề này nằm ngoài khả năng giải quyết của chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters). 

Hai lựa chọn khó 

Lạm phát của Mỹ lập đỉnh 40 năm trong tháng 5, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ xăng đến thực phẩm, giá cả leo thang đang gây áp lực lớn lên các hộ gia đình. Tổng thống Joe Biden thừa nhận: “Chắc chắn tôi hiểu rằng lạm phát là thách thức lớn đối với các gia đình Mỹ. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để hạ nhiệt giá cả cho người dân”.

Theo tờ Nikkei Asia, ông Biden đang phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn. Nếu giữ nguyên thuế quan với hàng hoá Trung Quốc, ông sẽ hứng chỉ trích vì để mặc giá cả tăng cao. Nhưng nếu thu hồi chúng, ông sẽ bị chê trách là yếu đuối trước Trung Quốc.

Tháng trước, ông Biden cho biết chính phủ Mỹ đang cân nhắc gỡ bỏ thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lên Trung Quốc vào tháng 7/2018. Theo Đạo luật Thương mại năm 1974, những biện pháp này phải được đánh giá lại mỗi 4 năm.

Nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp đã kêu gọi ông Biden cắt giảm thuế quan để hạ nhiệt lạm phát trong nước.

Ông Shang-Jin Wei, giáo sư về doanh nghiệp và kinh tế Trung Quốc tại Đại học Columbia khẳng định: “Việc điều chỉnh thuế quan sẽ có ích cho Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Với mỗi 100 USD hàng hóa mà Mỹ mua từ Trung Quốc, 40 USD là linh phụ kiện cho doanh nghiệp và 60 USD là đồ dùng cho hộ gia đình. Loại bỏ thuế quan có thể giúp giảm chi phí sản xuất và chi phí sinh hoạt ở Mỹ”.

 

Hiệu quả mập mờ

Chính quyền ông Trump áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trong chiến tranh thương mại, làm ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc.

Cắt giảm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc có thể giúp giảm giá của một số mặt hàng, ví dụ như vật liệu thô. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tác dụng hạ nhiệt lạm phát của việc này sẽ không lớn như mong đợi.

Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rằng giảm thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là bài thuốc thần dược chữa lạm phát cao.

Trong phiên điều trần trước Hạ viện, bà Yellen phát biểu: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải giảm một số loại thuế quan và việc này có thể giúp giảm bớt giá cả một số món hàng cho người tiêu dùng. Nhưng tôi muốn nói rõ rằng điều chỉnh thuế quan không phải là thuốc trị bách bệnh cho lạm phát”.

Nhưng theo các nhà kinh tế, điều này không có nghĩa là thuế quan nên được giữ nguyên vì chính sách này vốn chẳng giúp ích gì mấy cho mục tiêu then chốt.

Ông David Sacks, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: “Tôi không nghĩ rằng việc áp đặt thuế quan đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong hành vi của Trung Quốc.

Vấn đề cơ bản mà chúng ta cố gắng giải quyết là các hành vi phi thị trường của doanh nghiệp Trung Quốc. Tôi không cho là thuế quan sẽ giúp xử lý vấn đề này". 

Vị chuyên gia chỉ ra: “Và dù sao thì Mỹ cũng không sử dụng thuế quan để làm đòn bẩy trong bất kỳ cuộc tranh luận nào đang diễn ra”.

Ông Robert Handfield, giáo sư quản trị chuỗi cung ứng tại Đại học North Carolina, dự đoán chính quyền ông Biden sẽ chọn lọc một số ngành để giảm thuế quan. Dự án năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên vì hầu hết các tấm pin mặt trời đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.

Chính quyền ông Biden đã hoãn tuyên bố hoãn thuế quan hai năm lên các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Ông Biden cũng kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy lắp đặt năng lượng mặt trời ở Mỹ.

Ông Handfield đánh giá việc cắt giảm thuế quan “gần như không tạo ra tác động lớn trong dài hạn, nhưng có thể có ảnh hưởng ngắn hạn, dù chưa rõ là bao nhiêu. Rất nhiều tổ chức đã tìm được cách để ‘né’ thuế quan, do đó việc dỡ bỏ chúng chưa chắc đã có tác động ngay lập tức lên lạm phát”.

Phản đối quyết liệt

Một số tổ chức – bao gồm những hội nhóm có tầm ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc bầu cử chính trị ở Mỹ - đã phản đối việc chấm dứt thuế quan.  

United Steelworkers, công đoàn có 1,2 triệu thành viên ở Bắc Mỹ và là nhóm cố vấn của Nhà Trắng, đã mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Biden không gỡ bỏ thuế quan. Lá thư United Steelworkers gửi ngày 6/6 tới Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lập luận rằng các chính sách thương mại của Trung Quốc gây tổn hại đến các doanh nghiệp, “làm suy yếu khả năng cạnh tranh và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Giáo sư Handfield giải thích rằng một số loại thuế quan thực sự có tác dụng hỗ trợ các ngành nhất định, ví dụ như thép. Ông giải thích: “Nếu thép Trung Quốc bị đánh thuế cao thì việc này sẽ bảo vệ các nhà sản xuất thép của Mỹ, cho phép họ kiếm lợi nhuận cao hơn và bán ra nhiều hơn, giúp tạo việc làm. Giá thép hiện đang rất cao và doanh nghiệp sản xuất thép hài lòng với tình hình này”.

Nhiều nhà lập pháp của Mỹ ở cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cũng ủng hộ giữ nguyên thuế quan, bao gồm Thượng nghị sĩ Rob Portman, Sherrod Brown, Mitt Romney và Elizabeth Warren, tờ Nikkei Asia đưa tin. 

Nhà nghiên cứu Sacks của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: “Ý tưởng gỡ bỏ thuế quan nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của một số chính trị gia trong nước. Tôi đoán rằng phía Đảng Cộng hòa sẽ nói rằng việc này cho thấy chính quyền Biden yếu đuối trước Trung Quốc hoặc để mặc Trung Quốc hành động tùy ý”.

Ngoài chiến sự Nga-Ukraine và COVID-19, giáo sư Handfield nhìn nhận nguyên nhân chính của lạm phát phi mã là cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm lộ rõ điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các cảng lớn nhất nước Mỹ - Los Angeles và Long Beach - bị tắc nghẽn.

Ông nói: “Tôi nghĩ chính phủ Mỹ không thể làm gì trong ngắn hạn. Một trong những biện pháp Mỹ đang tiến hành là tăng lãi suất. Việc này có thể giúp giảm bớt nhu cầu cho một số hàng hóa, nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu có rất nhiều điểm nghẽn. Có nhiều lý do khiến tắc nghẽn xảy ra, nhưng chẳng lý do nào có liên quan tới chính sách của chính phủ".

Ông nhấn mạnh: “Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mất ít nhất là hai năm nữa để hoạt động hiệu quả trở lại”.

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.